Cuộc đời huyền thoại của người phụ nữ có 9 người con là liệt sĩ, là nguyên mẫu tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng 150.000m2 lớn nhất cả nước
(Thị trường tài chính) -"Lúc còn sống, mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của các con hay ngày Tết Nguyên đán, ngày Thương binh Liệt sỹ, mẹ thường chống gậy tìm đến bàn thờ thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 chiếc bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để gọi các con về với mẹ…"
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đất nước ta đã chứng kiến vô số mất mát, hy sinh từ những gia đình đã hiến dâng tất cả vì độc lập, tự do. Trong số đó, Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ (1904-2010) là một biểu tượng bất tử. Người phụ nữ quê ở xóm Rừng, thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung (nay là phường Điện Thắng Trung), thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, đã trải qua cuộc đời đầy gian truân, chứng kiến sự ra đi của 12 người con và cháu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
9 con đi chiến trường, không ai trở về
Chân dung mẹ Nguyễn Thị Thứ. Ảnh: Đại tá, nhà báo Trần Hồng
Mẹ Nguyễn Thị Thứ có 12 người con (11 trai và 1 gái), trong đó 9 con trai đã hy sinh. Người con gái duy nhất – bà Lê Thị Trị, là thương binh và cũng được trao tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng khi chồng và 2 con gái của bà đều là liệt sĩ. Như vậy, mẹ Thứ có 12 người con và cháu là liệt sĩ.
Trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, mẹ Nguyễn Thị Thứ đã động viên chồng và các con lên đường chiến đấu. Năm 1948, người con trai Lê Tự Xuyến - chiến sĩ giao liên bị Pháp bắn tại đầu làng. Nửa tháng sau, con trai Lê Tự Hàn Anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tải thương. Đau thương nối tiếp khi 10 ngày sau đó, Lê Tự Hàn Em ngã xuống trong một trận chiến chống càn.
Tháng 4/1954, con trai Lê Tự Lem, tròn 20 tuổi, hy sinh trong lúc chiến đấu tại huyện nhà. Trong vòng 6 năm, mẹ Thứ mất 5 người con, nỗi đau nối tiếp nỗi đau, nhưng mỗi khi con trưởng thành, mẹ lại tiếp tục động viên và tiễn con ra chiến trường.
Tháng 9/1966, Lê Tự Nự hy sinh. Năm 1972, hai người con Lê Tự Mười và Lê Tự Trịnh tiếp tục ngã xuống. Năm 1974, anh Lê Tự Thịnh – Đại đội trưởng bộ đội ở huyện Duy Xuyên hy sinh trong lần chỉ huy đơn vị đánh đồn giặc. Con trai cả Lê Tự Chuyển, chiến sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh vào 9h sáng ngày 30/4/1975 ngay trên cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ vào Sài Gòn, chỉ vài giờ trước khi đất nước thống nhất.
Con rể của mẹ, Ngô Tường (chồng của Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị), tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp, bị Mỹ bắt vào năm 1956 và bị tra tấn đến chết, được công nhận là liệt sĩ. Hai cháu ngoại của mẹ (con gái của mẹ Trị) là Ngô Thị Điểu và Ngô Thị Cúc, lần lượt hy sinh vào năm 1970 và năm 1973.
Mẹ Nguyễn Thị Thứ như tượng đài anh hùng huyền thoại. Ảnh: VTV
Không chỉ là người mẹ của các liệt sĩ, mẹ Thứ còn trực tiếp tham gia vào sự nghiệp cách mạng. Suốt 30 năm, mẹ cần mẫn đào và duy trì 5 căn hầm bí mật trong khu vườn nhà mình, che chở hàng trăm cán bộ, chiến sĩ cách mạng. Ngọn đèn nhỏ trên bàn thờ trong nhà mẹ luôn sáng như một tín hiệu an toàn cho du kích trở về. Khi có động, mẹ và gia đình giả vờ chăm sóc đàn bò để che giấu các hoạt động cách mạng.
Có lẽ, nỗi đau mất con là không gì bù đắp được, nhưng lòng yêu nước và khát vọng độc lập đã giúp mẹ vượt qua. Đối với mẹ, sự hy sinh của các con không chỉ là mất mát cá nhân mà còn là đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc.
Hiện thân của người Mẹ Việt Nam anh hùng
Năm 80 tuổi, mẹ Thứ mất thị lực hoàn toàn. Mẹ sống với con gái ở quê nhà, sau đó chuyển ra Đà Nẵng sống cùng con út Lê Tự Tân cho đến khi qua đời ở tuổi 106.
"Lúc còn sống, mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của các con hay ngày Tết Nguyên đán, ngày Thương binh Liệt sỹ, mẹ thường chống gậy tìm đến bàn thờ thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 chiếc bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để gọi các con về với mẹ…", trích hồi tưởng của Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Trị, con gái đầu của mẹ Nguyễn Thị Thứ.
Mẹ Thứ bên mâm có 9 chén cơm, 9 đôi đũa dành cho 9 người con đã hy sinh. Ảnh: Đại tá, nhà báo Trần Hồng
Ngày 17/2/1994, mẹ Nguyễn Thị Thứ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.
Năm 2004, Đảng và Nhà quyết định xây dựng Quần thể tượng đài Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày 27/7/2009, công trình được khởi công tại núi Cấm (thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) với diện tích 150.000m2. Đây là tượng đài lớn nhất cả nước, lấy nguyên mẫu từ hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ.
Chân dung Bà mẹ Việt Nam anh hùng lấy nguyên mẫu từ mẹ Thứ tại Quần thể tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng tại núi Cấm. Ảnh: VOV
Tượng đài có chiều cao 18,5m và chiều rộng 84,7m, là công trình đồ sộ thể hiện hình tượng người mẹ Việt Nam với lòng yêu nước bao la. Bên trong tượng đài là Nhà tưởng niệm, nơi ghi danh gần 50.000 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, đồng thời giới thiệu cuộc đời và sự cống hiến của họ. Công trình hoàn thành vào năm 2015, là nơi tri ân những người mẹ đã hiến dâng cho đất nước.
Mẹ Nguyễn Thị Thứ qua đời năm 2010, hưởng thọ 106 tuổi. Tại quê nhà Quảng Nam, tên mẹ đã được đặt cho một con đường lớn ở thị trấn Vĩnh Điện như một lời nhắc nhở về sự hy sinh và đóng góp to lớn của mẹ cho đất nước.
Hình ảnh mẹ Nguyễn Thị Thứ được khắc những nét bình dị, mộc mạc, vẻ đẹp nhân hậu và tình thương bao la mẹ dành cho các con. Ảnh: Tạp chí Du lịch TP. HCM
Câu chuyện về mẹ Nguyễn Thị Thứ không chỉ là một trang sử hào hùng mà còn là biểu tượng của lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả. Cuộc đời mẹ là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về giá trị của độc lập, tự do, và trách nhiệm xây dựng đất nước. Như ý tưởng của tượng đài: “Mẹ là suối nguồn bao la, là linh hồn đất nước. Mẹ sinh ra từ mảnh đất anh hùng, sinh ra những người con anh hùng và sau này sẽ hòa mình vào đất, vào non nước Việt Nam. Mẹ sẽ sống mãi ngàn đời, truyền thêm sức mạnh cho các thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.