Nơi duy nhất tại Việt Nam không có liệt sĩ trong cả 4 cuộc chiến tranh dù là ‘Thủ đô kháng chiến’, hàng trăm chiến sĩ đã lên đường ra trận
(Thị trường tài chính) - Theo dân làng, việc không có một ai hy sinh trên chiến trận là do các vị thần linh thiêng trong đình Tân Trào luôn phù hộ, che chở.
“Thủ đô kháng chiến”nhưng không ai phải hy sinh
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những vết thương mà nó để lại vẫn hằn sâu trong ký ức nhiều thế hệ. Trên dải đất Việt Nam, đâu đâu cũng có thương binh, liệt sĩ. Những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người con mất cha và nhiều nỗi đau do chiến tranh gây ra không gì có thể bù đắp.
Thế nhưng, làng Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang – vùng đất được mệnh danh là “Thủ đô cách mạng” lại mang một dấu ấn khác biệt kỳ lạ. Lớp lớp thế hệ chiến sĩ tại Tân Lập đã lên đường ra trận, và sau cả 4 cuộc chiến tranh, tất cả đều đã may mắn có cơ hội được trở về.
Trong kháng chiến, làng Tân Lập có 104 thanh niên lên đường chiến đấu. Kết quả thống kê cho thấy chỉ hai người trở thành thương binh và hai người là bệnh binh. Sự kỳ diệu này khiến Tân Lập mãi được ghi nhớ như ngôi làng duy nhất trên đất nước Việt Nam không có liệt sĩ.
Trong lần chia sẻ với PV Báo Lao động Thủ đô, ông Hoàng Văn Duẩn kể lại từng trải qua một lần thoát chết khó tin trong trận đánh dưới chân thành cổ Quảng Trị năm 1971. Khi ấy, ông bị một viên đạn xuyên ngực, đầu đạn trồi ra phía sau lưng nhưng may mắn sống sót. Theo bác sĩ phẫu thuật, đường đi của viên đạn chỉ cách tim vài milimét.
Đặc biệt, trong làng còn có một gia đình ba thế hệ nối tiếp nhau đi bộ đội – gia đình cụ Hoàng Trung Nguyên. Cụ Nguyên từng là cán bộ thời kháng chiến chống Pháp và có bốn người con ba trai, một gái đều tham gia quân ngũ. Giờ đây, những người con của cụ cũng đã bước vào tuổi xưa nay hiếm. Nhớ lại thời trai trẻ, ông Hoàng Ngọc, con trai cả của cụ Nguyên, chia sẻ: “Cả mấy anh em chúng tôi đều có nhiều năm tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, tham gia những trận đánh ác liệt, mấy ai nghĩ có thể lành lặn trở về. Vậy mà, cả mấy anh em tôi chẳng ai gặp vấn đề gì. Chỉ duy nhất tôi bị mảnh bom văng sượt qua ống chân còn để lại vết sẹo nhỏ”.
Đình thiêng che chở dân làng
Người dân ở làng Tân Trào tin rằng việc không có một ai hy sinh trên chiến trận là do các vị thần linh thiêng trong đình Tân Trào luôn phù hộ, che chở để tất cả mọi người đều có cơ hội trở về. Theo lời kể của nhiều người già trong làng, trước khi nhập ngũ, gia đình chuẩn bị mâm lễ trịnh trọng, mang ra đình làng thắp hương, cầu mong sức khỏe và sự bình an cho con cháu.
Đình Tân Trào nằm trên khu đất rộng khoảng 1.000m², thoáng đãng, phía trước là dòng suối Khuôn Pén, xung quanh rợp bóng cây xanh. Đặc biệt, đầu phía đông có cây si cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đình Tân Trào quay về hướng nam – hướng được xem là mang lại phúc lành, thường được chọn cho các công trình tín ngưỡng.
Ngôi đình làm hoàn toàn từ vật liệu địa phương như gỗ và lá cọ. Cấu trúc gồm một gian, hai chái, với hai vì kèo, mỗi vì có bốn hàng chân cột: hai cột cái và hai cột quân. Gian giữa dài gần 9m, rộng hơn 4m; cột cái cao hơn 5m, đường kính 40–50cm; cột quân cao hơn 3m, đường kính 30cm. Tất cả cột đều được bào nhẵn, làm theo kiểu thượng thu – hạ thách, hình trụ tròn. Vì kèo sử dụng kiểu chồng rường giá chiêng, với hoa văn hình mây mác tinh tế.
Không chỉ là chốn linh thiêng gắn với phong tục tập quán của người dân địa phương, đình Tân Trào còn là nơi ghi dấu sự kiện trọng đại của lịch sử dân tộc. Đây chính là địa điểm tổ chức Quốc dân Đại hội Tân Trào – Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, hơn 20 triệu đồng bào trong cả nước nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi cứu nước, phát đi từ Tân Trào đã nhất tề đứng lên tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong cả nước, lập chính quyền nhân dân, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.
Với sự kiện lịch sử chói lọi, đình Tân Trào trở thành di tích cách mạng tiêu biểu, minh chứng cho giai đoạn sôi sục của lịch sử dân tộc. Đến nay, nơi đây vẫn giữ vai trò linh thiêng trong đời sống người dân. Trước những sự kiện trọng đại như cưới hỏi, ma chay hay đi xa, người dân đều đến đình thắp hương, thành tâm kính lễ, thể hiện lòng tôn kính với lịch sử và tín ngưỡng truyền thống.
Ảnh: Sưu tầm Internet