Bộ Y tế khuyến cáo: Xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại 3 ngày liên tục
(Thị trường tài chính) - Sự gia tăng ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố thông tin đáng lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) đạt mức xấu trong nhiều thời điểm. Dữ liệu từ Bộ cho thấy, sự gia tăng ô nhiễm không khí đã ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn và các bệnh về tim mạch và đột quỵ. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng có thể gây tổn thương da, mắt, ảnh hưởng đến hệ thần kinh và miễn dịch, cũng như sức khỏe tâm thần.
WHO cảnh báo tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh (Hình minh họa/Hoàng Hà)
Để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe người dân, Cục Quản lý Môi trường y tế thuộc Bộ Y tế đã xây dựng các khuyến cáo cụ thể. Khi chỉ số AQI ở mức kém, người dân đặc biệt là các nhóm nhạy cảm, cần hạn chế hoặc giảm các hoạt động ngoài trời để tránh tiếp xúc với không khí ô nhiễm.
Khi ra ngoài, người dân nên thường xuyên đeo khẩu trang và vệ sinh phòng ở, nhà cửa để dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Ngoài ra, sử dụng các thiết bị bảo vệ cá nhân như kính bảo vệ mắt trong khi vệ sinh nếu có bụi hoặc không khí bị ô nhiễm. Hạn chế sử dụng các loại bếp than tổ ong, củi, và đốt rơm rạ bằng các loại bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong nhà và xung quanh nhà cũng giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với người hút thuốc lá, thuốc lào, nên bỏ hoàn toàn hoặc hạn chế hút thuốc; đặc biệt không nên hút thuốc trong nhà để tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh. Người không hút thuốc cần tránh xa khói thuốc. Nên thường xuyên theo dõi sức khỏe và khám sức khỏe định kỳ.
Với các trường mẫu giáo, nhà trẻ và tiểu học, cần xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục (Hình minh họa/Toàn Vũ/Dân Trí)
Những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí như trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch và người cao tuổi, cần tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm từ phương tiện giao thông, công trình xây dựng, khu vực đun nấu đốt nhiên liệu. Trong những thời điểm không khí ô nhiễm nặng, cần đến ngay cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng bệnh cấp tính.
Ngoài ra, việc tăng cường dinh dưỡng để nâng cao thể trạng và sức đề kháng là vô cùng quan trọng. Giữ ấm cơ thể vào mùa đông để tránh nhiễm lạnh đột ngột là điều cần thiết. Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với các trường mẫu giáo, nhà trẻ và tiểu học, cần xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục. Trong trường hợp đi học, tránh các hoạt động ngoài trời và điều chỉnh thời gian học phù hợp để bảo vệ sức khỏe học sinh.