Bệnh viện từng xác lập 7 kỷ lục Việt Nam, là cơ sở y tế đầu tiên trên cả nước có đường hầm chuyển bệnh nhân xuyên lòng đất, kết nối cấp cứu với hàng không
(Thị trường tài chính) - Tuyến đường có tổng chiều dài 64,7m, rộng 5m với nóc hầm nằm sâu dưới mặt đất khoảng 6m.
Từng giữ 7 kỷ lục Việt Nam, 3 kỷ lục châu Á
Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh viện đa khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế Thành phố. Ra đời vào năm 1968, bệnh viện ban đầu được thành lập với mục tiêu phục vụ thương bệnh binh và cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Đến ngày 31/8/1989 Ủy Ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra Quyết định số 502/QĐ-UB thành lập Bệnh viện Nhân dân 115 trực thuộc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, nhiệm vụ chính trị của Bệnh viện được giao là tiếp nhận và điều trị cho nhân dân Thành phố và các tỉnh phía Nam.
Theo thông tin từ website của bệnh viện, hiện nay, cơ sở có 5 chuyên khoa mũi nhọn gồm Thần kinh, Tim mạch, Thận – Niệu, Ung thư – Y học hạt nhân và Gây mê hồi sức – Hồi sức tích cực, cùng với 7 khối lâm sàng và 42 khoa phòng. Với gần 2000 giường bệnh, Bệnh viện Nhân dân 115 hiện có gần 70% bác sĩ có trình độ sau đại học, khẳng định vị thế là cơ sở y tế chuyên sâu và chất lượng tại TP.HCM.
Năm 2019, Bệnh viện (BV) đã được tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng 7 kỷ lục trong lĩnh vực chuyên môn và kỹ thuật y tế, bao gồm 4 kỷ lục tập thể và 3 kỷ lục cá nhân.
Với các kỷ lục tập thể, BV được ghi nhận là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam có trung tâm đột quỵ đạt chứng nhận chất lượng điều trị vàng do Hội Đột quỵ châu Âu công nhận; bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam và châu Á triển khai thành công phẫu thuật u não bằng hệ thống robot Modus V Synaptive; bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam thực hiện thành công việc đặt thể hang nhân tạo trong điều trị rối loạn cương dương ở nam giới; đồng thời, BV Nhân dân 115 và BV Gia An 115 là hai đơn vị đầu tiên tại Việt Nam phối hợp lắp đặt và triển khai phần mềm Rapid trong chẩn đoán và đưa ra chỉ định lấy huyết khối cơ học điều trị nhồi máu não cho bệnh nhân đến sau 6 giờ.
Về kỷ lục cá nhân, Bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Chu Tấn Sĩ, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh đã thực hiện thành công ca phẫu thuật u não đầu tiên tại Việt Nam và châu Á bằng hệ thống robot Modus V Synaptive chỉ trong 90 phút. Tiến sĩ - bác sĩ Trương Hoàng Minh, Trưởng Khoa Ngoại niệu - Ghép thận là người thực hiện thành công ca phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo trong điều trị rối loạn cương dương ở nam giới đầu tiên tại Việt Nam. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Đức Khang, Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, đã ứng dụng thành công phần mềm trí tuệ nhân tạo Rapid vào chỉ định can thiệp lấy huyết khối cơ học điều trị nhồi máu não cho bệnh nhân đến sau 6 giờ, mang lại hiệu quả đầu tiên tại Việt Nam.
Đầu năm 2020, BV dự kiến sẽ nhận 3 kỷ lục châu Á và đồng thời đưa vào hoạt động khu kỹ thuật cao, bao gồm cả cấp cứu đường không.
Đường hầm chuyển bệnh đầu tiên tại Việt Nam
Sau một chặng đường 35 năm phát triển, chất lượng phục vụ tại Bệnh viện Nhân dân 115 ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, đây là cơ sở y tế đầu tiên tại Việt Nam sở hữu đường hầm di chuyển bệnh nhân đi xuyên lòng đất.
Tuyến đường hầm này được đưa vào sử dụng cùng với tòa nhà chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao tại Bệnh viện Nhân dân 115 (phường 12, quận 10, TP. HCM). Tuyến đường có tổng chiều dài 64,7m, rộng 5m với nóc hầm nằm sâu dưới mặt đất khoảng 6m. Một đầu của đường hầm kết nối với hệ thống thang máy của tòa nhà 10 tầng mới xây dựng, trong khi đầu còn lại dẫn thẳng đến 2 thang máy chuyển bệnh, đưa bệnh nhân trực tiếp lên khoa Cấp cứu của bệnh viện.
Công trình này không chỉ giúp việc vận chuyển bệnh nhân trở nên thuận tiện mà còn cải thiện điều kiện đi lại của đội ngũ y bác sĩ và nhân viên bệnh viện. Việc tránh được tình trạng chen lấn trong dòng xe cộ ùn tắc trên đường Sư Vạn Hạnh sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ tai nạn và tiết kiệm thời gian trong công tác cấp cứu.
Khởi công từ tháng 7/2016, tòa nhà khu chẩn đoán và điều trị kỹ thuật cao gồm 10 tầng, với 2 tầng hầm riêng biệt và đường hầm kết nối. Tòa nhà đặc biệt còn có sân đáp trực thăng, phục vụ cho việc cấp cứu hàng không bệnh nhân đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Được thiết kế theo tiêu chuẩn hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế, công trình có tổng diện tích xây dựng hơn 19.000 m2 và tổng vốn đầu tư hơn 332 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố.
Đường hầm kết nối tòa nhà mới xây dựng với khu vực cấp cứu và điều trị nội trú sẽ giúp việc vận chuyển bệnh nhân diễn ra nhanh chóng và an toàn, đồng thời giảm thiểu nguy cơ cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân khi phải di chuyển qua đường. Thiết kế đường hầm này không chỉ đảm bảo an toàn giao thông mà còn hạn chế tình trạng ùn tắc, kẹt xe trên đường Sư Vạn Hạnh góp phần nâng cao mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, đường hầm này sẽ trở thành tuyến kết nối giữa khoa cấp cứu của bệnh viện với hệ thống cấp cứu hàng không.