Cà phê cuối tuần:

101 câu chuyện xung quanh ly cà phê (Kỳ 1)

Thảo Chi
Chia sẻ

(Thị trường tài chính) - Đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng Việt Nam chưa có thương hiệu nào góp mặt trong danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Ngay trong nước, gu uống cà phê của người Việt cũng có rất nhiều điều cần phải trao đổi, khách mời lần này là anh Nguyễn Hòa Chính- Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cà phê Dak Ha.

Mặc dù cà phê Dak Ha là sản phẩm đồ uống được chọn lựa vào phục vụ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ- Triều (từ 27/02-01/3/2019) nghĩa là về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm Dak Ha Coffee đã đạt chuẩn quốc tế nhưng thương hiệu này vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi tiêu thụ tại Việt Nam.

 

NHÀ GIÀU CŨNG KHÓC

Sau 4 năm hoạt động Thương hiệu cà phê Mellower Coffee nổi tiếng của Trung Quốc phải ngậm ngùi đóng cửa. Theo tôi được biết đây là chuỗi cà phê đặc sản nổi tiếng tại Trung Quốc, được thành lập vào năm 2011, là thành viên của Specialty Coffee Association (Hiệp Hội Cà Phê Đặc Sản Quốc Tế). Thương hiệu này đã mở rộng khá nhanh chóng, có hơn 50 cửa hàng trên toàn thế giới, bao gồm Thượng Hải, Bắc Kinh, Trùng Khánh, Thâm Quyến, Singapore và Hàn Quốc. Là người có gần 4 thập kỷ gắn bó với cà phê, ông bình luận gì về sự kiện này?

CMO Nguyễn Hòa Chính: Là người gắn bó với cà phê từ sản xuất, chế biến và tiêu dùng, tôi được biết Mellower Coffee là thương hiệu áp dụng các quy trình trồng trọt, chế biến và rang khắt khe nhất để đảm bảo chất lượng cà phê cao nhất. Thương hiệu lựa chọn hạt cà phê tốt nhất từ các trang viên như Panama, Vân Nam, Indonesia, Kenya, Colombia, ..., trong khi đội ngũ đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi cà phê trong nước và quốc tế.

Thương hiệu Mellower Coffee có mặt năm 2019, tại tầng 1 của tòa nhà Deutsches Haus (Ngôi nhà Đức) trên phố Lê Duẩn (TP.HCM). Sau đó, thương hiệu này tiếp tục mở chi nhánh tiếp theo tại The Metropolitan Building (235 Đồng Khởi, Quận 1, TP.HCM), toàn vị trí kinh doanh đắc địa nhưng vẫn không tồn tại được. Điều đó cho thấy thị trường đồ uống Việt Nam nói chung và cà phê nói riêng, không hề dễ tính chút nào.

Không chỉ Mellower Coffee mà có nhiều thương hiệu nước ngoài thâm nhập vào thị trường Việt Nam như Starbucks, New York Dessert  cà phê - NYDC, Gloria Jean’s Coffee (Australia), Amazon Cafe... Tuy nhiên, không ít chuỗi đã chấp nhận dừng cuộc chơi tại thị trường có văn hóa uống cà phê rất khác thường, phải chăng giá quá cao?

CMO Nguyễn Hòa Chính: Không hẳn, tôi đã từng dùng Mellower Coffee có giá từ 49.000 đồng đến hơn 100.000 đồng . Ví dụ, cà phê trứng Hà Nội giá 85.000 đồng/ly, cà phê bạc sỉu 98.000 đồng/ly, cà phê đặc trưng Saigon Impression giá 118.000 đồng/ly. Không phải quá đắt so với các loại đồ uống khác khi được ngồi ở một vị trí sang trọng như thế, người ta sẽ không quá cân nhắc đến giá cả. Dường như lý do nằm ở gu uống cà phê của người Việt chúng ta.

101 câu chuyện xung quanh ly cà phê (Kỳ 1) - ảnh 1
Anh Nguyễn Hòa Chính- PTGĐ Công ty Cổ phần Cà phê Dak Ha. Ảnh CT

NHÌN SANG CHÂU ÂU

Người nước ngoài cũng có nhiều cách pha chế ca phê nhưng tựu trung phải đảm bảo sự nguyên chất (không gây mất ngủ), mùi vị thơm ngon và dễ uống.

Trước ở gu uống cà phê của người Việt chúng ta, là người đã nghiên cứu các công thức cà phê của nước ngoài, ông có thể trao đổi xem thế giới người ta dùng cà phê như thế nào?

CMO Nguyễn Hòa Chính: Cũng như Việt Nam, người nước ngoài cũng có nhiều cách pha chế ca phê nhưng tựu trung phải đảm bảo sự nguyên chất (không gây mất ngủ), mùi vị thơm ngon và dễ uống. Theo tôi, hiện nay trên thế giới có 4 gu cà phê thông dụng.

Cappuccino. Có xuất xứ từ Ý, một ly cà phê Cappucino bao gồm ba phần đều nhau: cà phê Espresso pha với một lượng nước gấp đôi, sữa nóng và sữa sủi bọt. Để hoàn thiện khẩu vị, người ta thường rải lên trên tách cà phê Capuccino một ít bột ca cao. Thực khách không chỉ được thưởng thức 1 tách cà phê thơm ngon mà còn được chiêm ngưỡng của các loại cà phê Cappucino này khi đã được bàn tay khéo léo của các Barista của quán tạo ra những hình ảnh, hoa văn sinh động, độc đáo cho lớp bọt phía trên như hình trái tim, bông hoa, cánh bướm…

 

Espresso. Đây là loại cà phê thường được uống ở Ý và Tây Ban Nha, được pha bằng cách cho nước bị ép dưới áp suất cao chảy qua cà phê xay cực mịn. Cách pha này sẽ tạo ra một lớp kem từ dầu cà phê góp phần quan trọng trong việc tạo hương thơm cho ly cà phê. Cà phê espresso thường được uống bằng tách dày có hâm nóng trước, dung tích vào khoảng 40 ml và có hoặc không pha đường tùy theo khẩu vị. Cà phê espresso thường được phục vụ kèm theo một ly nước để làm dịu vị đắng vốn có của cà phê.

 

Latte. Là một loại cà phê nóng bao gồm cà phê Espresso và sữa. Về cơ bản Latte giống cà phê sữa nhưng lượng sữa nhiều hơn. Một cốc Latte sẽ bao gồm 3 tầng được phân biệt rõ ràng, được rót theo thứ tự lần lượt và không trộn lẫn với nhau. Sữa được rót vào cốc đầu tiên, tạo nên tầng thấp nhất có màu trắng. Sau đó là bọt sữa, tầng cao nhất. Cuối cùng người ta rót Espresso qua lớp bọt sữa. Bởi lớp sữa chứa nhiều chất béo nên có độ đậm đặc cao hơn Espresso nên lớp cà phê nổi lên trên lớp sữa, tạo thành tầng ở giữa. Thường thì người ta rắc lên lớp bọt sữa bột cacao, sô cô la hoặc gia vị (ví dụ như quế) để trang trí.

 

Mocha. Đây là hỗn hợp giữa cà phê Espresso được pha bằng hơi nước và chocolate nóng, cà phê Mocha còn hòa quyện cả vị thơm béo của kem tươi và chocolate sauce. Hương vị đậm đà của nó làm cho tinh thần sảng khoái và đặc biệt thích hợp cả với những người không quen uống cà phê. Và đây là loại cafe rất được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới nhất là Mỹ.

101 câu chuyện xung quanh ly cà phê (Kỳ 1) - ảnh 2
Những ly cà phê phin hiện nay đang được pha thêm những chất vô cùng độc hại như bắp rang, đậu nành rang cháy (tạo độ sánh), phẩm màu (tạo màu đen), hương liệu từ hóa chất (tạo mùi thơm). Ảnh AT

NGƯỜI TIÊU DÙNG THÔNG MINH

Trước mắt chúng ta chỉ cần chia thành 2 gu, cà phê sạch (không pha tạp chất) và cà phê pha tạp chất, kèm lời cảnh báo hãy là người tiêu dùng thông minh.

Ồ, quả là không hổ danh người có gần 40 năm gắn bó với Cao nguyên và cà phê. Ông chủ của thương hiệu Dak Ha Coffee có thể chia sẻ thêm về gu cà phê của người Việt hiện nay?

CMO Nguyễn Hòa Chính: Nguyên liệu chính là các hạt cà phê Arabica, Robusta, Cherry, Culi, Moka… Trong đó 2 cái tên đầu tiên là nguyên liệu chính làm ra các cốc cà phê  thơm ngon phục vụ hàng tỷ người trên thế giới hàng ngày. Những hạt cà phê này được pha chế theo các cách thức khác nhau phù hợp với gu thưởng thức của từng quốc gia. 

Người Việt thường uống 2 loại cà phê  đen và cà phê  sữa. Người miền Bắc thích uống cà phê  đen được pha phin theo kiểu của người Pháp. Rất nhiều người thích uống cà phê  phải càng đen, càng đắng, mùi vị càng mạnh càng tốt, nước phải sánh, sền sệt nổi bọt. Chính vì nhu cầu này nên người sản xuất hay pha thêm những chất vô cùng độc hại như bắp rang, đậu nành rang cháy (tạo độ sánh), phẩm màu (tạo màu đen), hương liệu từ hóa chất (tạo mùi thơm) và gây ra rất nhiều nguy cơ ung thư từ những cốc cà phê  bẩn pha tạp chất như thế này.

 Uống riết, người ta lại cho rằng cà phê  bẩn pha tạp chất mới là “xịn”, mà không biết mình đang mua bệnh vào người. Dak Ha Coffee không đi theo gu này, chúng tôi theo đuổi chế biến cà phê nguyên chất.

Nắng gió Sài Gòn và khí hậu phương Nam gắn liền với những ly cà phê  sữa đá với cà phê  nguyên chất pha phin trộn với sữa đặc có đường và cho vào rất nhiều đá mát lạnh. Người Sài Gòn thưởng thức cà phê  sữa đá ở khắp mọi nơi: từ những quán cà phê  máy lạnh, sang chảnh cho đến bến tàu, nhà ga hoặc vừa đi vừa uống ly cà phê  được mua ở những xe đẩy rong trên đường phố. 

Gần đây, các bạn trẻ có dùng cà phê  trứng, cà phê  cốt dừa, cà phê  sôcôla, bạc xỉu, …, đặc biệt là của chị em phụ nữ vốn ngại uống nhiều cà phê  vì sợ da nổi mụn. Nhưng theo tôi, trước mắt chúng ta chỉ cần chia thành 2 gu, cà phê sạch (không pha tạp chất) và cà phê pha tạp chất, kèm lời cảnh báo hãy là người tiêu dùng thông minh, đúng không anh?

CMO Nguyễn Hòa Chính: Chính xác, tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại thói quen sử dụng đồ uống nói chung và cà phê  nói riêng trước khi quá muộn. Xin cám ơn!

Kỳ sau: Vì sao Dak Ha Coffee thất bại sân nhà (2)