Petronas với cú bắt tay đầy tham vọng với AZ Petro
(Thị trường tài chính) - AZ Petro với các cổ đông là những doanh nghiệp có tên tuổi của Việt Nam vừa có "cú bắt tay Kuala Lumpur 2023", trở thành nhà cung cấp sản phẩm cho tập đoàn dấu khí hàng đầu khu vực và châu lục. Tháng 6/2023 AZ Petro chính thức ra mắt tại Hà Nội và bắt tay vào chiếm lĩnh thị trường.
Năm 1991, Petronas (Petroliam Nasional Bhd) đã đặt chân vào Việt Nam với hợp đồng hợp tác đầu tiên với với PVN phân chia sản phẩm dầu khí tại lô số 01& 02 ngoài khơi tỉnh Vũng Tàu. Cả hai tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam - Malaysia khai thác dầu khí chung đến đầu tháng 9 năm 2017 thì bị ngưng lại. Chính vì thế, cú bắt tay với AZ Petro lần này được giới kinh doanh trong ngành rất quan tâm, theo dõi và đưa ra rất nhiều nhận định khác nhau.
Petronas: Biểu tượng sức mạnh kinh tế Malaysia
Thành lập từ tháng 8/1974, Petronas từ một công ty dầu khí quốc gia thuộc sở hữu của chính phủ Malaysia đã phát triển thành một tập đoàn đa quốc.Hiện nay, Petronas là ông chủ của 198 mỏ đang khai thác, 155 giàn khoan trên thềm lục địa trong 101 hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) và 6 hợp đồng phân chia rủi ro. Petronas thăm dò, khai thác dầu khí trên 20 quốc gia, vốn đầu tư trong lĩnh vực này chiếm đến một nửa vốn đầu tư của toàn tập đoàn.
Petronas còn là một trong những nhà đại diện và là chi nhánh đầu tư thương mại cho các công ty nước ngoài. Tài sản dầu khí của Petronas ở Australia và ở một số nước tương đối ổn định về kinh tế và chính trị cũng là một giải pháp giúp cắt giảm rủi ro địa chính trị cho các tài sản của tập đoàn ở nước ngoài.
Năm 2007, thời báo tài chính Financial Times xác định Petronas là một trong "new seven sisters": các công ty dầu khí quốc doanh có ảnh hưởng nhất từ các quốc gia ngoài nhóm OECD. Được nhà nước trao toàn bộ quyền kiểm soát và khai thác nguồn tài nguyên dầu mỏ tại Malaysia, Petronas có đầy đủ các công ty kinh doanh và dịch vụ từ hạ nguồn cho đến thượng nguồn, từ khai thác đến hóa dầu, kinh doanh và tiếp thị các sản phẩm dầu. Ngoài ra, tập đoàn này còn đầu tư một phần nhỏ vào lĩnh vực bất động sản.
Đến nay, Petronas tự hào khi phát triển thành một công ty dầu khí quốc tế tích hợp với lợi ích kinh doanh tại 35 quốc gia. Năm 2019, Fortune Global đã xếp hạng Petronas là công ty lớn thứ 158 trong top 500 tập đoàn lớn nhất thế giới và là thương hiệu có giá trị nhất tại Malaysia với giá trị thương hiệu hơn 13 tỷ đô la Mỹ (theo Statista).
Petronas đã đăng ký bản quyền logo ở nhiều quốc gia bao gồm cả Hoa Kỳ. Ngoài ra, công ty có hơn 200 nhãn hiệu trải dài trên 65 quốc gia. Đến nay, Petronsa với hơn 100 công ty con thuộc sở hữu toàn bộ, 19 công ty thuộc sở hữu một phần và 57 công ty liên kết, hơn 40.000 nhân viên, doanh thu đạt trên 46 tỷ USD. Năm 2019, thời điểm trước khi xẩy ra đại dịch Covid-19, tổng sản lượng nhiên liệu tung ra thị trường của Petronas đã trên 900 triệu lít.
Lãnh đạo của Petronas chia sẻ, để trở thành một tập đoàn có hạng trên thị trường quốc tế từ một công ty dầu khí thuần túy của chính phủ, Petronas đã tiến hành quá trình thu hút đầu tư từ khu vực đầu tư tư nhân trong nước lẫn nước ngoài.
Quan điểm của Chính phủ này là một công ty muốn vươn ra quốc tế thì nhà nước không thể nắm giữ hay sở hữu 100% cổ phần, vì yêu cầu về vốn cũng như rủi ro gặp phải là rất lớn. Hiện nay, nhà nước chỉ nắm khoảng 60% vốn đầu tư tại Petronas và tiếp tục mở rộng thị trường.
Mùa hè 2016, Petronas xuất xưởng lần đầu tiên trên thế giới thiết bị hóa lỏng khí đốt nổi (PFLNG Satu), vượt trước con tầu Prelude của tập đoàn dầu khí lớn thứ hai thế giới - Shell, có công suất cao gấp 3 lần hơn một năm. Petronas tự hào gọi phương tiện hóa lỏng khí nổi của mình là “người thay đổi ván bài”.
Với công nghệ mới này, Petronas được chọn xếp vào danh sách các tập đoàn dầu khí quốc gia (NOC) đứng đầu thế giới gồm: Saudi Aramco (Ả-rập Xê-út), StatOil (Nauy), Petrobras (Brazil) trong việc dám đầu tư phát triển công nghệ mới, cạnh tranh với các tập đoàn dầu khí tư nhân quốc tế lớn từ lâu được mệnh danh là “vua dầu mỏ”.
Người thay đổi ván bài
Tại Malaysia, Tập đoàn Petronas được Chính phủ giao quyền thực hiện cả 3 vai trò: Tham gia hoạch định, ban hành các chính sách về dầu khí; quản lý nhà nước về dầu khí; đầu tư trực tiếp vào hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí tại Malaysia. Luật Phát triển dầu khí (Petroleum Development Act 1974) trao quyền sở hữu toàn bộ tài nguyên dầu khí của Malaysia cho Petronas.
Từ đó, Petronas có thể trực tiếp đầu tư, điều hành hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí thông qua công ty con (Petronas Carigali), đồng thời Petronas cũng tham gia cùng với Ban Kinh tế kế hoạch thuộc Văn phòng Thủ tướng Chính phủ xây dựng các chính sách về dầu khí trong tổng thể các chính sách về năng lượng.
Chương trình tăng tốc Petronas FutureTech Accelerator Programme - "FutureTech 3.0" nhằm khám phá và đào tạo các doanh nhân công nghệ, theo tiêu chuẩn toàn cầu, và xây dựng và ảnh hưởng đến hệ sinh thái khởi nghiệp theo công nghệ. Trường Đại học công nghệ (Universiti Teknologi Petronas) do Petronas làm chủ đầu tư (1997) là cơ sở giáo dục chính tham gia sứ mệnh lịch sử này.
Kỳ sau:AZ Petro là ai?