Trường đại học rộng nhất Việt Nam, có hơn 550 Giáo sư, Phó Giáo sư, gần 1.700 Tiến sĩ
(Thị trường tài chính) -Đến thời điểm hiện tại, trường đang có 72 Giáo sư, 482 Phó Giáo sư đang công tác hoặc tham gia làm việc.
Mới đây, Hội đồng Giáo sư Nhà nước vừa công bố danh sách 615 ứng viên chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư được công nhận năm 2024. Theo đó, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã có thêm 34 ứng viên được công nhận, trong đó có 6 ứng viên Giáo sư (GS) và 28 Phó Giáo sư (PGS).
Cụ thể, ngành Công nghệ thông tin có 1 GS, 1 PGS; Ngành Cơ học có 2 PGS; Liên ngành Điện - Điện tử - Tự động hóa có 1 GS; 2 PGS; Ngành Khoa học Giáo dục có 4 PGS; Liên ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm có 2 PGS; HĐGS liên ngành Khoa học Trái đất - Mỏ có 6 PGS; Ngành Kinh tế có 1 GS và 3 PGS; Ngành Luật học có 1 PGS; Ngành Sinh học có 1 GS; Ngành Toán học có 3 PGS; Liên ngành Triết học - Chính trị học - Xã hội học có thêm 2 GS; Liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao thêm 2 PGS; Ngành Vật lý có 1 PGS; Ngành Y học có 1 PGS.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, ĐHQGHN đang có 72 Giáo sư, 482 Phó Giáo sư đang công tác hoặc tham gia làm việc tại các cơ sở đào tạo, nghiên cứu thuộc ĐHQGHN. Ngoài ra, thống kê năm học 2022 - 2023, ĐHQGHN 1.699 cán bộ là Tiến sĩ, Tiến sĩ Khoa học.
Ngôi trường có quá trình phát triển dài và đầy dấu ấn lịch sử
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN, gọi tắt là VNU) là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của Việt Nam, đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao tri thức và công nghệ ở nhiều lĩnh vực. Với chất lượng đào tạo và nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế, ĐHQGHN đang từng bước vươn lên ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh giáo dục ngày càng hiện đại.
Lịch sử của ĐHQGHN gắn liền với những sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển đất nước. Vào năm 1906, Đại học Đông Dương được thành lập tại số 19 phố Lê Thánh Tông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, đánh dấu bước khởi đầu quan trọng của giáo dục đại học ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc (đường phố này khi đó có tên gọi Boulevard Bobillot).
Sau khi đất nước giành độc lập, vào năm 1945, Trường Đại học Quốc gia Việt Nam được thành lập trên cơ sở của Đại học Đông Dương. Lễ khai giảng khóa học đầu tiên diễn ra vào ngày 15/11 cùng năm, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là trường đại học đa ngành đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu cột mốc lớn trong lĩnh vực giáo dục đại học của nước ta.
Vào năm 1951, Trường Khoa học Cơ bản được thành lập tại Chiến khu Việt Bắc, trở thành một trong những trường học tiền thân của Đại học Tổng hợp Hà Nội sau này.
Năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính thức được thành lập theo Quyết định của Chính phủ. Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội là trường đại học đầu tiên của miền Bắc sau khi đất nước hòa bình, tập trung đào tạo các ngành khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Đây là sự kế thừa các truyền thống và cơ sở vật chất của Đại học Đông Dương, Trường Đại học Quốc gia Việt Nam và Trường Khoa học Cơ bản.
Sau đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã phát triển Khoa Ngoại ngữ, nơi đã trở thành Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội vào năm 1967.
Vào năm 1985, Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường đã sáp nhập với Trung tâm Nghiên cứu Rừng ngập mặn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hình thành nên Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường trực thuộc ĐHQGHN.
Năm 1993, ĐHQGHN được chính thức thành lập theo Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (Khóa VII). Với mục tiêu xây dựng các trường đại học trọng điểm quốc gia, ĐHQGHN được tạo lập từ việc sắp xếp lại ba trường đại học lớn của Hà Nội: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội I và Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ.
Cơ sở giáo dục đại học lớn nhất Việt Nam
Hiện nay, ĐHQGHN có 9 trường đại học thành viên, 3 trường và 1 khoa trực thuộc, 6 viện nghiên cứu khoa học thành viên, 2 trung tâm đào tạo môn chung, 5 viện nghiên cứu khoa học trực thuộc, 14 đơn vị dịch vụ và phục vụ, cùng 4 trường THPT và 1 trường THCS thuộc các trường thành viên của ĐHQGHN. Trường có diện tích lên đến 11,13km2, là cơ sở giáo dục đại học lớn nhất tại Việt Nam với tổng số gần 40.000 sinh viên. Năm 2022, ĐHQGHN đã chuyển trụ sở đến Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
ĐHQGHN không chỉ là nơi đào tạo hàng nghìn sinh viên mà còn là nơi nuôi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Cuối tháng 7 vừa qua, Phòng thí nghiệm Cybermetrics Labs của Tây Ban Nha đã công bố kết quả xếp hạng Webometrics lần thứ hai trong năm 2024. Trong đó, Đại học Quốc gia Hà Nội đứng ở vị trí 771 thế giới và tiếp tục lọt vào top 100 cơ sở giáo dục hàng đầu châu Á về tiêu chí mức độ ảnh hưởng (Visibility). ĐHQGHN tiếp tục giữ vững vị trí số 1 tại Việt Nam và xếp thứ 15 tại Đông Nam Á.
Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp ĐHQGHN lọt vào top 800 thế giới về tiêu chí mức độ ảnh hưởng (hiện đang xếp ở vị trí 727), đồng thời cũng là năm thứ ba liên tiếp gia tăng vị trí trong tiêu chí Độ mở học thuật (hiện đang xếp ở vị trí 1.170).
Webometrics là bảng xếp hạng tự động đánh giá khả năng số hóa và tầm ảnh hưởng của tài nguyên học thuật của các cơ sở giáo dục đại học, dựa trên các chỉ số: mức độ lan tỏa và ảnh hưởng của hệ thống website và thông tin trực tuyến (impact), độ mở của tài nguyên học thuật trên Google Scholar (openness), và chỉ số trích dẫn khoa học trên cơ sở dữ liệu Scopus (excellence).
Trong bảng xếp hạng đại học QS và THE năm 2024, ĐHQGHN lần lượt thuộc nhóm 801-1.000 và 1.001-1.200 thế giới. Mục tiêu của trường đến năm 2025 là lọt vào top 500.