HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Bất ngờ phát hiện con trai bị ung thư qua một bức ảnh chụp bằng iPhone của mẹ

Thùy Dung

(Thị trường tài chính) - Đây không phải là trường hợp đầu tiên các bậc cha mẹ phát hiện con mình bị ung thư mắt chỉ qua một bức ảnh chụp.

Năm 2021, Josie Rock - một y tá sống tại Gainesville, Georgia (Mỹ) bất ngờ phát hiện con trai 4 tháng tuổi của mình bị ung thư mắt nhờ một bức ảnh chụp bằng iPhone. Trong lúc chụp ảnh cho con trai Asher, đèn flash trên điện thoại của cô Rock vô tình bật lên. 

Cô giải thích với tờ The Independent: “Tôi đang chụp ảnh Asher như bình thường thì ánh sáng trong phòng đột nhiên thay đổi, khiến đèn flash trên điện thoại tắt đi. Mắt Asher mở to vì bất ngờ và khi tôi định xóa bức ảnh bị phơi sáng quá mức, tôi nhận ra có điều lạ - một bên mắt của con có hiện tượng ‘mắt đỏ’ thông thường, trong khi đồng tử mắt phải lại sáng lên màu trắng".

Bất ngờ phát hiện con trai bị ung thư qua một bức ảnh chụp bằng iPhone của mẹ - ảnh 1
Mắt phải của Asher trông khác lạ trên bức ảnh chụp bằng iPhone, sau đó cậu bé được chẩn đoán mắc bệnh ung thư mắt. Ảnh: Josie Rock/Indepentdent

Nhờ kinh nghiệm của mình, Josie đã không vội xóa bức ảnh mà xem xét kỹ lưỡng vì cô biết rằng sự đổi màu bất thường ở mắt có thể là dấu hiệu của một loại ung thư mắt ở trẻ em. Cô nghi ngờ ánh sáng trắng xuất hiện trong mắt phải của Asher là dấu hiệu của một khối u ác tính trên võng mạc - còn gọi là u nguyên bào võng mạc.

Sau khi nhờ đến ý kiến của các chuyên gia, Asher được chẩn đoán mắc u nguyên bào võng mạc loại D - loại ung thư nghiêm trọng thứ hai, có thể gây bong võng mạc khỏi phần sau của mắt, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ. Asher nhanh chóng được điều trị bằng hóa trị tĩnh mạch và laser tại chỗ. Sau một thời gian, bệnh tình của bé đã được kiểm soát.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên các bậc cha mẹ phát hiện con mình bị ung thư mắt chỉ qua một bức ảnh chụp. Trước đó, năm 2015, Selam Shiferaw - một bà mẹ người Anh, phát hiện có điều bất thường trong ánh mắt của con trai mình qua một bức ảnh. Selam từng nhận thấy trong một tấm ảnh, mắt của cậu bé xuất hiện một đốm sáng bất thường. 

Cảm thấy lo lắng, cô tìm kiếm trên Google và phát hiện những trường hợp tương tự, liên quan đến ung thư mắt. Lo sợ điều này có thể xảy ra với con, Selam lập tức đưa Isaac đến bệnh viện. Kết quả kiểm tra xác nhận, sau mắt của bé có một khối u lớn đã phát triển từ khi bé sinh ra và suýt nữa khiến Isaac phải phẫu thuật bỏ đi một bên mắt.

Bất ngờ phát hiện con trai bị ung thư qua một bức ảnh chụp bằng iPhone của mẹ - ảnh 2
Bức ảnh chụp giúp phát hiện bệnh ung thư mắt của Isaac. Ảnh: Deborah Cicurel.

Năm 2017, câu chuyện tương tự được tờ news.com.au đưa tin về Ayehata Rao, một người mẹ ở Darwin, Australia. Khi xem một bức ảnh chụp bé Aayaan bằng camera có đèn flash, cô nhận thấy trong mắt phải của bé có một đốm sáng lạ – điều không xuất hiện khi nhìn trực tiếp. Đáng chú ý, đốm sáng này ngày càng lớn theo thời gian. Sau khi đưa Aayaan đi khám, các bác sĩ xác nhận bé bị u nguyên bào võng mạc, một dạng ung thư mắt nguy hiểm thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi.

Năm 2022, Tom Pughe-Morgan, một người cha đến từ Brighton, Anh, cũng phát hiện ánh sáng trắng bất thường trong mắt của con trai mình qua một bức ảnh chụp. Đó là dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư mắt, nhưng chỉ thấy được dưới ánh sáng nhất định. Nhờ phát hiện sớm này, Tom đã có thể đưa Elijah đi điều trị kịp thời.

Những dấu hiệu nhận biết sớm u nguyên bào võng mạc

U nguyên bào võng mạc là một căn bệnh ung thư mắt nguy hiểm, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, chiếm đến 95% các trường hợp. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ sơ sinh dao động từ 1/15.000 đến 1/18.000. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, khối u có thể phát triển rất nhanh, không chỉ gây mất thị lực mà còn có thể di căn đến hệ thần kinh trung ương, tủy xương, xương và đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Bệnh có thể xuất hiện ở một mắt (chiếm 60%) hoặc cả hai mắt (40%), có tính chất di truyền hoặc xảy ra ngẫu nhiên. Nguyên nhân chủ yếu là do đột biến gen, có thể di truyền hoặc xuất hiện một cách độc lập.

Bất ngờ phát hiện con trai bị ung thư qua một bức ảnh chụp bằng iPhone của mẹ - ảnh 3
Hình ảnh u nguyên bào võng mạc chụp bởi máy Phoenix Icon. Ảnh: Bệnh viện Tâm Anh

Dấu hiệu nhận biết phổ biến và điển hình nhất khiến cha mẹ đưa trẻ đi khám là "ánh đồng tử trắng" hay còn gọi là "mắt mèo" – một đốm trắng bất thường xuất hiện ở giữa lòng đen của mắt. Ban đầu, ánh đồng tử trắng thường không dễ nhận thấy, mà chỉ xuất hiện từ một số góc độ hoặc dưới những điều kiện ánh sáng nhất định, chẳng hạn khi chụp ảnh có đèn flash.

Việc điều trị u nguyên bào võng mạc phụ thuộc vào kích thước, vị trí khối u và số lượng mắt bị ảnh hưởng. Tùy vào từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định hóa trị hoặc xạ trị kết hợp. Trong những trường hợp nặng khi khối u đã phát triển lớn trong mắt, phẫu thuật loại bỏ nhãn cầu có thể là cần thiết để bảo toàn tính mạng cho trẻ, sau đó có thể đặt mắt giả để phục hồi phần nào thẩm mỹ.