Lừa đảo thời 4.0: Đến tỷ phú cũng bị mạo danh livestream tư vấn đầu tư
(Thị trường tài chính) - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long và Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng là những nhân vật khá nổi tiếng trong giới tài chính, kinh doanh. Tuy nhiên, chính sự nổi tiếng cũng đang khiến các nhân vật này trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo.
Hết tỷ phú Trần Đình Long Hòa Phát bị mạo danh đến Chủ tịch SSI Nguyễn Duy Hưng bị sử dụng công nghệ AI livestream tư vấn đầu tư
Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) mới đây cho biết đã nhận được thông tin về việc nhiều cá nhân, tổ chức mạo danh tập đoàn để lừa đảo, thu lợi bất chính bằng nhiều thủ đoạn như mời tuyển dụng, kêu gọi đầu tư vào dự án. Các đối tượng lừa đảo lấy tất cả logo, thông tin và hình ảnh thương hiệu của tập đoàn tạo ra các trang website giả để kêu gọi đầu tư với mức sinh lợi đầy hấp dẫn.
Đơn cử như dự án phát triển sản xuất thép nội địa quy mô 253 tỷ đồng, đã đạt tiến độ tới 48%, cần đầu tư ngay, nếu đầu tư mức tối thiểu 2 triệu đồng, sau 15 phút sẽ hưởng ngay mức lợi nhuận 1,32%. Không những vậy, đối tượng lừa đảo còn khiến người dân và cả khách hàng của Hòa Phát cả tin khi làm giả quyết định điều chuyển nhân sự.
Thậm chí, những đối tượng này còn giả mạo chữ ký của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát - để ký tươi, đóng dấu đỏ làm thành thông báo "Chấn chỉnh quy định thực hiện giờ giấc, chấp hành nội quy, quy chế, quy định của công ty trong giai đoạn thực hiện triển khai dự án".
Không chỉ dừng lại ở việc giả mạo con dấu, chữ ký, lập website giả mạo, các đối tượng lừa đảo ngày càng sử dụng các phương pháp tinh vi hơn, khiến cho nhiều người dễ trúng kế.
Điển hình như trường hợp mới đây nhất, nạn nhân là ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI. Công ty này cho biết, các đối tượng lừa đảo đang ngày càng tinh vi khi gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một số tài khoản Zalo mạo danh, sử dụng công nghệ AI để giả mạo hình ảnh lãnh đạo cấp cao tại SSI để livestream tư vấn đầu tư...
Đối tượng còn lập tài khoản có tên Nguyễn Duy Hưng, chủ tịch HĐQT của Chứng khoán SSI trên nền tảng Zalo để đưa ra các nhận định, tư vấn. Từ nền tảng Zalo, đối tượng tiếp tục điều hướng vào nhóm kín trên nền tảng Telegram. Tại đây, chúng sử dụng công nghệ AI tạo hình ảnh, video giả mạo Chủ tịch HĐQT SSI Nguyễn Duy Hưng để tiếp tục tư vấn đầu tư chứng khoán và dụ dỗ nhà đầu tư rơi vào cạm bẫy.
Ứng dụng công nghệ AI mạo danh lãnh đạo các công ty chứng khoán để lừa đảo là một trong những thủ đoạn tinh vi của tội phạm công nghệ tài chính thời gian gần đây. Không chỉ SSI, nhiều công ty chứng khoán khác như MBS, VNDirect hay các quỹ đầu tư thời gian qua cũng liên tục khuyến cáo về tình trạng này.
Tỉnh táo trước các chiêu trò tinh vi
Trong môi trường đầu tư đầy biến động, những kẻ lừa đảo đang không ngừng sáng tạo ra các phương thức tinh vi để mạo danh các tỷ phú nổi tiếng và làm giả giấy tờ, con dấu của các công ty lớn nhằm đánh lừa các nhà đầu tư. Vì vậy, việc nhận diện các chiêu trò lừa đảo ngày càng trở nên quan trọng giúp các nhà đầu tư bảo vệ tài sản và tránh những cú sốc tài chính không mong muốn.
Khi nhận được bất kỳ thông tin yêu cầu cung cấp dữ liệu cá nhân hoặc thực hiện giao dịch tài chính, hãy luôn xác thực nguồn gốc của thông tin. Nhà đầu tư không nên vội vàng hành động theo yêu cầu trong email hoặc cuộc gọi. Thay vào đó, hãy gọi điện hoặc gửi email đến địa chỉ chính thức của tổ chức để xác minh tính chính xác của thông tin.
Các địa chỉ email chính thức thường có đuôi tên miền chính thức của tổ chức. Nhà đầu tư cần đảm bảo rằng đã kiểm tra kỹ địa chỉ email và URL của trang web để phát hiện các dấu hiệu giả mạo. Trang web chính thức thường có chứng chỉ bảo mật (https) và giao diện dễ nhận diện.
Kiểm tra tính hợp lệ của giấy tờ và con dấu là rất quan trọng. Các giấy tờ giả mạo có thể có dấu hiệu của việc bị làm giả, chẳng hạn như con dấu không rõ ràng, font chữ không đồng nhất, hoặc lỗi chính tả. So sánh với các tài liệu chính thức của công ty và xác thực với cơ quan chức năng nếu cần.
Quá trình trao đổi, các yêu cầu khẩn cấp hoặc không rõ ràng về tiền bạc hoặc thông tin cá nhân đến từ phía đối tác thường là dấu hiệu của lừa đảo. Nhà đầu tư nên cẩn trọng với các yêu cầu không có lý do hợp lý và luôn kiểm tra lại thông tin trước khi hành động.
Các cơ hội đầu tư hợp pháp thường đi kèm với các kế hoạch đầu tư chi tiết và cơ sở pháp lý rõ ràng. Nếu bạn không nhận được thông tin đầy đủ về các điều khoản đầu tư, luật pháp liên quan, hoặc các tài liệu chứng minh, đây có thể là dấu hiệu của lừa đảo.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng có thể sử dụng các công cụ phát hiện giả mạo. Tính năng bảo mật và phần mềm chống virus hiện đại thường có khả năng nhận diện các trang web và email giả mạo. Cần đảm bảo rằng các công cụ này luôn được cập nhật để bảo vệ chúng ta khỏi những mối đe dọa mới nhất.
Công nghệ deepfake có thể tạo ra hình ảnh hoặc video có thể giống bất kỳ ai, điều này giúp những kẻ lừa đảo có thể dễ dàng lấy được niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu là nhà đầu tư thường xuyên cập nhật thông tin, công nghê thì cũng có thể nhậ biết các dấu hiệu của sự giả mạo, chẳng hạn như sự không tự nhiên trong các chuyển động hoặc biểu cảm.