Thu 180 nghìn tỷ đồng từ thuế Thương mại điện tử trong 2 năm

Lệ Giang

(Thị trường tài chính) - Trong 2 năm 2022, 2023, Tổng cục Thuế đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT là 180 nghìn tỷ đồng.

Đây là số liệu được ông Mai Sơn – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế nêu ra tại Hội nghị chuẩn bị sơ kết 1 năm triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử (TMĐT), chống thất thu thuế, đảm bảo an ninh tiền tệ, do Bộ Tài chính tổ chức mới đây.

Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT trong nước và xuyên biên giới.

Thu 180 nghìn tỷ đồng từ thuế Thương mại điện tử trong 2 năm - ảnh 1
Nhiều giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT đã được triển khai

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg ngày 30/05/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg, các bộ, ngành đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết với những nhiệm vụ cục thể của từng bộ, ngành để triển khai theo chức năng nhiệm vụ, đồng thời cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính để phối hợp triển khai.

Về quản lý thuế, thời gian qua, ngành Thuế đã tiếp cận hoạt động TMĐT theo các nền tảng có hoạt động TMĐT để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 8 nhóm nền tảng: Nền tảng Sàn giao dịch TMĐT: Shopee, Lazada, Tiki, Amazon, Alibaba ...; Website/ứng dụng TMĐT: Abay.vn, Ahamove, Amway.com.vn, Bachhoaxanh.com, Đienmayxanh.com…; Nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok, …; Nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận (Grab, Be, Foody, Giaohangtietkiem, Giaohangnhanh…); Nền tảng đại lý (Booking, Agoda, Airbnb …); Nền tảng thuê bao (Netflix, Spotify, …); Nền tảng quảng cáo (Facebook, Google, Youtube, …); Nền tảng kho ứng dụng (Apple Store, CH Play, …).

Theo báo cáo của Tổng cục thuế, trong 2 năm gần nhất đã thu được 180 nghìn tỷ đồng quản lý thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT. Trong đó, năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (gần 130,57 tỷ USD), với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; năm 2023 doanh thu quản lý là: 3,5 triệu tỷ đồng (gần 146,28 tỷ USD), số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.

Tổng cục Thuế đã triển khai trong toàn ngành công tác thanh tra kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động TMĐT chưa tuân thủ nghĩa vụ thuế theo quy định

Kết quả lũy kế trong 3 năm: 2021, 2022 và 2023, có 31.570 tổ chức, cá nhân đưa vào diện rà soát. Trong tổng số các trường hợp đưa vào diện rà soát đã xử lý kê khai, nộp thuế, truy thu thuế, xử lý vi phạm đối với 22.159 cơ sở kinh doanh với số thuế tăng thêm là 2.917,9 tỷ đồng (trong đó xử lý kê khai, truy thu, xử lý vi phạm là 1.818 tỷ đồng, giảm lỗ là 986 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng là 113,9 tỷ đồng).

Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý với hoạt động TMĐT. Trong đó, việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn chưa đồng bộ.

Phần lớn các bộ, ngành, địa phương còn chậm trong việc triển khai định danh và xác thực điện tử; đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông ... gây khó khăn trong việc định danh, xác thực cá nhân, tổ chức để phòng ngừa các hành vi gian lận, trốn thuế trong hoạt động thương mại điện tử; khó khăn trong việc định danh, xác thực cá nhân. Việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành trong thời gian qua chủ yếu theo phương thức thủ công, chưa được thực hiện theo hình thức điện tử để đảm bảo chính xác, thường xuyên, liên tục, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý.