Tập trung thúc đẩy chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết
(Thị trường tài chính) - Nhằm góp phần khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sáng 16/8 tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư/ Tạp chí điện tử Nhadautu.vn tổ chức Hội thảo "Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hướng tới chuyên nghiệp, bền vững".
Bất cân xứng trong phát hành trái phiếu
Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Theo đó, đặt mục tiêu dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP vào năm 2025 và 25% vào năm 2030. Đây được đánh giá là mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội phát triển của thị trường.
Hiện nay, ở các quốc gia phát triển, thị trường chứng khoán, thị trường tín dụng và thị trường trái phiếu là 3 trụ cột nguồn vốn tài trợ cho nền kinh tế. Trong đó, thị trường TPDN là kênh huy động vốn trung và dài hạn. Số liệu thống kê của các cơ quan nghiên cứu cho thấy, nhiều quốc gia phát triển có thị trường trái phiếu đạt quy mô 50 - 70% GDP.
Ở một số nền kinh tế Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore và Malaysia, quy mô thị trường trái phiếu cũng lên tới 26 - 54% GDP. Trong khi đó, Việt Nam tới cuối tháng 3/2024 có chưa tới 10% GDP.
Thị trường vẫn chủ yếu dựa vào TPDN phát hành riêng lẻ. Lũy kế nửa đầu năm 2024, chỉ có 10.377 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng, chiếm 9,09% tổng giá trị phát hành, còn lại là trái phiếu riêng lẻ. Sự bất cân xứng này tiếp tục tạo rủi ro thanh khoản cho thị trường.
Ngoài ra, ngân hàng thương mại (NHTM) hiện nay vẫn là bên mua chính trong các đợt phát hành TPDN, trong khi các nhà đầu tư tổ chức khác như công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán… còn chiếm tỷ trọng nhỏ. Nguồn cầu phụ thuộc khá lớn vào hệ thống NHTM làm cho thị trường trái phiếu chưa phát huy được hết vai trò cung ứng vốn trung - dài hạn cho nền kinh tế.
Khuyến khích doanh nghiệp phát hành đa dạng trái phiếu
Chia sẻ về các giải pháp phát triển bền vững thị trường TPDN ở Việt Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, UBCKNN - Tô Trần Hòa cho rằng, cần tập trung thúc đẩy việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng gắn với niêm yết.
Đăc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp phát hành đa dạng các loại trái phiếu phù hợp với nhu cầu huy động vốn; phát triển các sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho mục tiêu thực hiện dự án, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) nhằm thúc đẩy huy động vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng; vận hành thị trường thứ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhằm tăng tính thanh khoản, tính minh bạch của thị trường.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thị trường TPDN Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều rủi ro, thách thức. Theo vị chuyên gia này, để phát triển, lành mạnh hóa thị trường TPDN Việt Nam, trước tiên, đến hết năm 2024 và cả năm 2025 cần tiếp tục củng cố, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư và phục hồi thị trường TPDN.
Trong trung - dài hạn, cần tổ chức thực hiện tốt Chiến lược tài chính đến năm 2030 cùng với việc ưu tiên hoàn thiện thể chế.
Đồng thời, hoàn thiện hạ tầng TTCK nói chung và thị trường TPDN nói riêng, nhất là nâng cao chất lượng hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, thị trường thứ cấp tập trung, cơ sở thông tin - dữ liệu về thị trường trái phiếu, về nhà đầu tư, tài sản đảm bảo....
Ngoài ra cần liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng nhà đầu tư, bao gồm cả nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức thông qua nhiều giải pháp khác nhau; hoàn thiện cơ chế và năng lực quản lý và giám sát thị trường; việc quản lý, định hướng phát triển thị trường này cần được gắn chặt với việc quản lý, giám sát rủi ro hệ thống tài chính.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, bản thân doanh nghiệp, tổ chức phát hành cũng cần đa dạng hóa nguồn vốn; quan tâm quản lý rủi ro; chủ động xếp hạng tín nhiệm, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, quan tâm tăng trưởng xanh, tài chính xanh.
Về phía nhà đầu tư, cần trau dồi kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, nhất là về các sản phẩm đầu tư, quy định của pháp luật về TTCK và thị trường TPDN, tìm hiểu đầy đủ thông tin về tổ chức phát hành; có thể thông qua nhà đầu tư tổ chức (công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, NHTM…) để có thể đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn, phù hợp.