Doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam: Bài học về sự chỉn chu, trách nhiệm, tôn trọng thị trường bản địa
(Thị trường tài chính) - Thời gian qua, nhiều thương hiệu vừa ở giai đoạn đã phải chia tay thị trường vì làn sóng tẩy chay mạnh mẽ của khách hàng. Sự chỉn chu, trách nhiệm trong kiểm soát các thông tin xung quanh sản phẩm khi muốn phát triển ở nước sở tại, trong đó có Việt Nam là bài học sống còn của mỗi thương hiệu khi muốn khai thác thị trường tại nước đó.
Chia tay âm thầm vì làn sóng tẩy chay mạnh mẽ
Cách đây ít ngày, ứng dụng của một thương hiệu trà sữa nổi tiếng đã nhanh chóng biến mất khỏi các kho tải ứng dụng mà chưa kịp khai trương cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam.
Mọi bài đăng trên fanpage nhãn trà sữa này kể từ tháng 6/2024 đều vấp phải trạng thái phẫn nộ của cộng đồng mạng. Trước đó, Baby Three – thương hiệu từng "làm mưa làm gió" với giới trẻ, có sức tiêu thụ khủng tại Việt Nam cũng vấp phải làn sóng tẩy chay của khách hàng vì các thông tin tương tự.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp không kiểm soát sản phẩm, để tồn tại đường lưỡi bò hoặc nghi vấn tồn tại bản đồ đường lưỡi bò đã bị người dùng Việt Nam phát hiện và tẩy chay.
Những vụ việc này một lần nữa cho thấy, việc thâm nhập vào thị trường Việt Nam đòi hỏi nhiều hơn là một sản phẩm tốt hay chiến lược kinh doanh bài bản. Việc thiếu chỉn chu hoặc trách nhiệm trong kiểm soát các thông tin, nhất là tôn trọng chủ quyền nước sở tại có thể khiến các thương hiệu quốc tế thất bại ngay từ bước đầu tiên.
Thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân và tỷ lệ tiêu dùng nội địa cao, luôn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng như bất cứ thị trường nào, các vấn đề liên quan đến chủ quyền, lịch sử và lòng tự tôn dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu. Sự thiếu chỉn chu, trách nhiệm, hoặc là những sơ suất, dù là nhỏ nhất trong hoạt động truyền thông hay xây dựng thương hiệu đều có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
Việc nhãn trà sữa nổi tiếng phải rời đi khi chưa kịp khai trương dù công tác triển khai đã được chuẩn bị cho thấy những nội dung quảng bá, hình ảnh hoặc thông điệp không phù hợp với bối cảnh văn hóa, lịch sử Việt Nam đã gây tổn thương đến lòng tự tôn dân tộc, khiến thương hiệu này nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích.
Không chỉ văn hóa, Việt Nam có hệ thống luật pháp chặt chẽ, từ đăng ký kinh doanh, kiểm định sản phẩm, quảng cáo, cho đến bảo vệ người tiêu dùng. Một thương hiệu không am hiểu hoặc phớt lờ các quy định này sẽ khó lòng đứng vững trong một thị trường ngày càng có yêu cầu cao về sự minh bạch và chuẩn mực.

Cần tôn trọng thị trường sở tại, hiểu văn hóa, chắc pháp luật
Từ những bài học này, có thể rút ra nhiều kinh nghiệm quý giá cho các thương hiệu nước ngoài muốn chinh phục thị trường Việt Nam. Trước hết, việc tôn trọng chủ quyền đất nước là tiên quyết. Sau đó, là phải đầu tư nghiêm túc vào nghiên cứu văn hóa địa phương là yêu cầu bắt buộc. Các doanh nghiệp cần hiểu rõ những giá trị truyền thống, nhạy cảm chính trị, hành vi tiêu dùng và thị hiếu của người Việt.
Bên cạnh đó, tuân thủ pháp luật Việt Nam là yếu tố sống còn. Việc chủ động hoàn thiện hồ sơ pháp lý, kiểm tra kỹ lưỡng mọi thủ tục, đảm bảo sự minh bạch trong kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro mà còn xây dựng được hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt người tiêu dùng và đối tác.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần có cơ chế lắng nghe và phản hồi nhanh chóng trước những thay đổi của thị trường. Tại Việt Nam, nơi mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc định hình dư luận, khả năng nắm bắt xu hướng và xử lý khủng hoảng truyền thông kịp thời sẽ quyết định sự thành bại của thương hiệu.
Câu chuyện của Baby Three không chỉ là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp đang có ý định gia nhập thị trường Việt Nam, mà còn là minh chứng cho nguyên tắc: Muốn tồn tại và phát triển bền vững, thương hiệu ngoại phải thực sự thấu hiểu, tôn trọng và thích nghi với thị trường bản địa.