Năm 2023, kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng
(Thị trường tài chính) - Theo các chuyên gia, với những thách thức do xung đột địa chính trị, nguy cơ lạm phát tại các thị trường chủ chốt của Việt Nam vẫn tiềm ẩn, thị trường trong nước còn yếu, đầu tư khu vực tư nhân chưa phục hồi…, Tuy nhiên, những điểm sáng của nền kinh tế trong năm 2023 sẽ tạo đà tăng trưởng cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Công nhân Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (Khu công nghiệp Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) lắp ráp xe máy. Ảnh: Trần Khánh |
Tại hội thảo “Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 có bao nhiêu điểm sáng”, vừa được tổ chức, nhận định về nền kinh tế Việt Nam năm 2023, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cho rằng, có nhiều điểm sáng nổi bật, cụ thể như: xuất khẩu tháng đầu năm giảm tới 26% nhưng đến thời điểm này, mức giảm chỉ còn dưới 6%.
Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp, thời điểm đầu năm có lúc tăng trưởng âm đến 15% nhưng hiện đã đạt mức tăng dương 1%. Về đầu tư, với 3 dòng vốn đầu tư chính của nền kinh tế, TS Lực đánh giá, đầu tư công đang triển khai rất tốt, đến thời điểm hiện nay đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Trái phiếu DN, giá trị phát hành cũng đang chuyển biến tích cực. Giá trị phát hành tháng sau cao hơn tháng trước, riêng tháng 10 giá trị trái phiếu phát hành thành công khoảng 41.000 tỷ đồng, tăng 194% so với tháng 10/2022…
Đồng quan điểm, TS. Phạm Đỗ Chí, cựu chuyên gia tài chính Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, ngoại thương nói chung và xuất khẩu hàng hóa nói riêng là một trong những điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam. Trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đạt 322 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa lên đến gần 620 tỷ USD.
Trong bối cảnh địa chính trị trên thế giới phức tạp, Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài lớn trong lĩnh vực công nghệ, như: Tập đoàn Samsung đầu tư 19 tỷ USD; hay Apple và nhiều nhà sản xuất hàng đầu thế giới khác như Google, Dell, Amazon cũng đang thiết lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Đây sẽ là những cơ sở để Việt Nam phát triển ngành công nghệ bán dẫn trong nước.
PGS.TS. Nguyễn Chí Hải - nguyên Trưởng khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, ngành nông nghiệp vẫn là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 38,48 tỷ USD, nhập khẩu 30,44 tỷ USD, xuất siêu đạt 8,04 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Dự báo cuối năm 2023, nền nông nghiệp Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 3,5%, giữ vững vai trò “bệ đỡ” và là “trụ chính” của nền kinh tế. Cạnh đó, khu vực dịch vụ vẫn có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước. Trong 9 tháng đầu năm, khu vực này tăng 6,24%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 nhưng các tháng cuối năm 2023, khu vực dịch vụ, đặc biệt là thương mại, du lịch, vận tải sẽ sôi động hơn, cải thiện mức tăng trưởng.
Dù có những điểm sáng, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 sẽ vẫn còn nhiều thách thức. Do vậy, những giải pháp cho nền kinh tế Việt Nam năm 2024 và các năm tiếp theo cũng được các chuyên gia đề xuất.
Ở góc độ DN, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Green+, ông Đặng Đức Thành cho biết, 11 tháng đầu năm, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 322,5 tỷ USD, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch 11 tháng ước đạt 88 tỷ USD. Do đó ông Thành đề xuất, ưu tiên sản xuất những mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu cho thị trường này nên là hướng đi mà các DN, trong đó có Green+ cần quan tâm trong thời gian tới.
Đưa ra các giải pháp cho nền kinh tế năm 2024, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024, thế giới có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ nhưng Việt Nam dự kiến phục hồi ở mức 6 - 6,5%. Để đảm bảo mức tăng trưởng này, các chính sách tiền tệ, như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cũng cần kéo dài thực hiện đến hết năm. Còn các DN, phải đẩy mạnh cơ cấu lại, đa dạng hóa nguồn vốn, nâng cao tính thích ứng, nhanh chóng chuyển đổi theo hướng xanh hóa và số hóa. Với các DN bất động sản, phải chấp nhận bán tài sản để cơ cấu lại nợ.
“Hiện giá bất động sản tại Việt Nam vẫn tương đối cao so với mặt bằng thu nhập, giá bất động sản nên giảm xuống cho phù hợp với khả năng chi trả của người dân, chỉ như thế mới phát triển bền vững”- TS. Cấn Văn Lực đề xuất.