HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

'Vũ khí đặc biệt' giúp Mỹ luôn là siêu cường số 1 thế giới bất chấp chiến tranh thương mại

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Giữa bối cảnh căng thẳng thương mại sắp bước vào giai đoạn cao trào, dầu đá phiến đã trở thành trụ đỡ vững chắc cho nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, liệu nguồn dầu mỏ dồi dào này có thể cản trở tiến trình phát triển các loại năng lượng tái tạo bền vững khác?

Tại bang Pennsylvania, những giếng khoan sâu 10.000 feet dưới lòng đất đang âm thầm khai thác tầng đá phiến Marcellus - một trong những mỏ nhiên liệu hóa thạch lớn nhất nước Mỹ. "Đây như một nhà máy khổng lồ cung cấp năng lượng cho cả Mỹ và thế giới", Trapper Wyman, chủ sở hữu công ty cần cẩu khai thác tại địa phương nhận định.

Tầng đá Marcellus chỉ là một phần trong hệ thống đá phiến trải dài khắp nước Mỹ, từ Bakken (Montana và Bắc Dakota) đến lưu vực Permian (Texas và New Mexico). Nhờ công nghệ thủy lực phá vỡ đá kết hợp khoan ngang, sản lượng khai thác đã tăng vọt từ đầu những năm 2000.

'Vũ khí đặc biệt' giúp Mỹ luôn là siêu cường số 1 thế giới bất chấp chiến tranh thương mại - ảnh 1
Phân bố dự trữ dầu khí đá phiến của Mỹ - Nguồn: Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ 

Hiện Mỹ đã vươn lên vị trí nhà sản xuất dầu thô và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, với sản lượng lần lượt đạt 13 triệu thùng và 3 tỷ mét khối mỗi ngày.

Thành tựu này đã định hình lại cán cân thương mại năng lượng của Mỹ. Từ vị thế nước nhập khẩu dầu lớn, đến năm 2019, lần đầu tiên sau hơn 50 năm, Mỹ đã trở thành nước xuất khẩu năng lượng ròng. Năm ngoái, thặng dư năng lượng đã đạt mốc 65 tỷ USD, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nền kinh tế Mỹ."

Tác động sâu rộng lên kinh tế Mỹ

Cuộc cách mạng đá phiến đã tác động tích cực đến nền kinh tế Mỹ trên nhiều phương diện. Về thương mại, trong khi hầu hết các ngành khác đều nhập siêu, ngành năng lượng đã giúp cải thiện đáng kể cán cân thương mại quốc gia. Nguồn khí đá phiến dồi dào còn góp phần giảm giá năng lượng trong nước, tạo điều kiện thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.

Theo nghiên cứu của Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh Dallas, cuộc cách mạng đá phiến đã đóng góp khoảng 1% vào GDP Mỹ giai đoạn 2010-2015. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì.

Đặc biệt, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, khi nhiều ngành rơi vào suy thoái, ngành đá phiến lại bước vào thời kỳ bùng nổ. "Các công ty mới liên tục đến đầu tư vào thời điểm các ngành khác đang chững lại", Jason Fink từ Phòng Thương mại Williamsport chia sẻ.

Việc làm trong lĩnh vực khai thác dầu khí tăng mạnh 60%, đạt 200.000 việc làm từ 2005-2015. Dù con số này sau đó có giảm do cải tiến công nghệ, tác động lan tỏa của ngành vẫn rất đáng kể, từ phát triển dịch vụ hỗ trợ đến thúc đẩy sản xuất nhờ chi phí năng lượng thấp.

Đá phiến - Lá chắn bảo vệ kinh tế Mỹ trước biến động thị trường dầu mỏ

Trong lịch sử, các cú sốc dầu mỏ thường gây bất ổn nghiêm trọng cho nền kinh tế Mỹ, điển hình là thời kỳ đình lạm những năm 1970. Tuy nhiên, nhờ cuộc cách mạng đá phiến, tình hình đã thay đổi. Khi giá dầu tăng, sản lượng khai thác trong nước cũng tăng theo, giúp duy trì hoạt động kinh tế trong lĩnh vực năng lượng.

'Vũ khí đặc biệt' giúp Mỹ luôn là siêu cường số 1 thế giới bất chấp chiến tranh thương mại - ảnh 2
Sản lượng dầu thô của Mỹ biến động đáng kể trong những thập kỷ gần đây, đạt đỉnh vào những năm 1970, giảm trong những năm 1980 và 1990, rồi tăng vọt lên mức kỷ lục do cuộc cách mạng đá phiến

 

Minh chứng rõ nhất là cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 sau khi Nga xâm lược Ukraine. Trong khi giá khí đốt ở châu Âu tăng vọt do Nga cắt nguồn cung, giá khí đốt tại Mỹ chỉ tăng nhẹ, duy trì ở mức một phần tư so với châu Âu nhờ nguồn cung dồi dào.

Thành công của ngành đá phiến Mỹ được cho là nhờ hai yếu tố chính. Thứ nhất là lợi thế về địa chất với các mỏ năng lượng vừa dồi dào vừa dễ khai thác hơn so với các nước khác. Thứ hai là cơ chế thị trường độc đáo cho phép tư nhân sở hữu khoáng sản dưới đất.

'Càng khoan nhiều, càng có cơ hội tìm ra những mỏ giàu tiềm năng', Chuyên gia Xizhou Zhou từ công ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie nhận định. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với các nước khác, nơi hoạt động khai thác chủ yếu do các công ty dầu khí quốc gia đảm nhiệm với quy trình vận hành chậm chạp hơn.

Liệu "nơi trú ẩn an toàn" dầu đá phiến có khiến Mỹ ngủ quên trên chiến thắng?

Mặc dù gây tranh cãi về tác động môi trường như rò rỉ khí mê-tan, chất thải độc hại và nguy cơ động đất, công nghệ khai thác đá phiến (fracking) vẫn có những ưu điểm đáng kể. Quy trình khai thác tiêu tốn ít năng lượng, phát thải thấp, và khí đốt sạch hơn nhiều so với than đá - nguồn năng lượng truyền thống của Mỹ.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại nguồn tài nguyên dồi dào này có thể khiến Mỹ rơi vào "bẫy nhiên liệu hóa thạch" - ngăn cản đổi mới và đầu tư vào năng lượng sạch.Giáo sư Daron Acemoglu, chủ nhân giải Nobel Kinh tế 2024, cùng các đồng nghiệp tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã thực hiện nghiên cứu và chỉ ra sự sụt giảm trong số lượng bằng sáng chế về năng lượng tái tạo của Mỹ, từ 1,9% năm 2009 xuống 0,8% năm 2016.

'Vũ khí đặc biệt' giúp Mỹ luôn là siêu cường số 1 thế giới bất chấp chiến tranh thương mại - ảnh 3
Công trường khai thác dầu mỏ từ đá phiến tại bang Montana, Mỹ

 

"Khí đốt từ dầu đá phiến là giải pháp tốt hiện nay, nhưng không đủ để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0", chuyên gia năng lượng Samantha Gross từ Viện Brookings nhận định.

Về kinh tế, có hai rủi ro chính đặt ra cho nền kinh tế Mỹ: Một là các khoản đầu tư vào năng lượng truyền thống có thể lỗi thời khi thế giới từ bỏ dầu mỏ. Hai là Mỹ có thể tụt hậu trong cuộc đua công nghệ sạch, hiện đang đứng sau Trung Quốc về sản xuất xe điện, pin mặt trời và tuabin gió.

Để giải quyết thách thức này, chính quyền Tổng thống Biden đã ban hành Đạo luật giảm lạm phát, cung cấp ưu đãi thuế và trợ cấp cho công nghệ tái tạo. Theo Goldman Sachs, chính sách này có thể thu hút 300 tỷ USD đầu tư hàng năm vào năng lượng tái tạo đến năm 2032, gấp đôi sản lượng từ đá phiến.

4 năm tiếp theo, chính sách năng lượng của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ tập trung vào khai thác và phát triển dầu đá phiến để củng cố vị thế của Mỹ như nhà sản xuất dầu và khí đốt hàng đầu thế giới.

Với các lợi ích kinh tế rõ ràng từ ngành đá phiến, như đóng góp vào GDP, tạo việc làm, và giúp cân bằng cán cân thương mại, chính quyền của ông Trump có khả năng sẽ tiếp tục thúc đẩy ngành này nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và duy trì giá năng lượng thấp cho người tiêu dùng.

Ngoài ra, ông Trump có thể sẽ giảm bớt các quy định môi trường đối với ngành dầu khí để hỗ trợ sản xuất trong nước, bất chấp những lo ngại về môi trường từ fracking, như rò rỉ khí mê-tan và nguy cơ động đất. Động thái này phù hợp với chính sách giảm bớt sự can thiệp của chính phủ mà ông đã ủng hộ.

Về mặt dài hạn, Trump có thể ít tập trung vào năng lượng tái tạo và không đặt ưu tiên cho các chương trình khuyến khích đầu tư vào năng lượng sạch như Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Biden. Điều này có thể khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch và dễ rơi vào “bẫy nhiên liệu hóa thạch,” khi các khoản đầu tư vào công nghệ sạch bị kìm hãm. Trong những năm tới, năng lượng tái tạo vẫn chưa thể vượt qua được vai trò thống trị của đá phiến trong ngành năng lượng Mỹ

Theo Economist, Financial Times

Ý kiến bạn đọc