'Vũ khí bí mật' của Trung Quốc: Từng là 'ngòi nổ' của khủng hoảng tài chính 2008, chỉ cần bán tháo là có thể 'đánh sập' thị trường nhà ở Mỹ

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Thị trường đang nín thở theo dõi khi Trung Quốc là một trong những chủ nợ nước ngoài nắm giữ lượng lớn chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp (MBS) – loại tài sản tài chính từng châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Lãi suất thế chấp tại Mỹ đang tăng mạnh trong tuần này, giữa bối cảnh nhà đầu tư đồng loạt bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ. Diễn biến này khiến lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm – chỉ số tham chiếu quan trọng cho lãi suất thế chấp – tăng vọt. Một số chuyên gia cho rằng các quốc gia nước ngoài, trong đó có Trung Quốc, có thể đang phản ứng trước chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống Donald Trump.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một mối đe dọa tiềm tàng và nghiêm trọng hơn đang hình thành: nếu Trung Quốc – một trong những chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp (Mortgage-Backed Securities – MBS) – quyết định bán tháo lượng tài sản này, nhiều quốc gia có thể nối gót và thị trường tài chính Mỹ sẽ đối mặt với cú sốc tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2008.

'Vũ khí bí mật' của Trung Quốc: Từng là 'ngòi nổ' của khủng hoảng tài chính 2008, chỉ cần bán tháo là có thể 'đánh sập' thị trường nhà ở Mỹ  - ảnh 1
Một khu nhà ở mới được xây dựng dọc theo kênh đào gần Sông Mokelumne, California, Mỹ vào tháng 5/2023

Lãi suất thế chấp ở Mỹ thường đi theo xu hướng của lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm. Khi trái phiếu bị bán ra ồ ạt, lợi suất (yield) tăng lên, kéo theo chi phí vay thế chấp cao hơn cho người dân Mỹ – đặc biệt trong bối cảnh những tháng đầu năm là giai đoạn sôi động nhất của thị trường bất động sản.

Theo ông Guy Cecala, Giám đốc điều hành của Inside Mortgage Finance: “Nếu Trung Quốc muốn tạo sức ép thực sự lên Mỹ, họ có thể đẩy mạnh việc bán trái phiếu kho bạc và MBS. Điều đó chắc chắn là một mối đe dọa nghiêm trọng. Tăng lãi suất thế chấp sẽ tác động mạnh đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và thị trường nhà ở”. 

Theo Ginnie Mae, tính đến cuối tháng 1, các quốc gia nước ngoài đang nắm giữ khoảng 1.320 tỷ USD MBS của Mỹ, chiếm 15% tổng lượng trái phiếu lưu hành. Các chủ nợ lớn gồm: Nhật Bản, Trung Quốc, đảo Đài Loan (Trung Quốc) và Canada.

Thực tế, Trung Quốc đã bắt đầu giảm nắm giữ MBS từ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 9, lượng MBS của nước này đã giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, và tiếp tục giảm 20% vào đầu tháng 12. Nhật Bản, sau khi tăng nhẹ vào tháng 9, cũng ghi nhận xu hướng giảm trong tháng 12.

Điều này cho thấy một xu hướng rút lui rõ rệt từ thị trường MBS của Mỹ, nếu tiếp diễn và lan rộng sang các quốc gia khác, có thể tạo ra làn sóng bán tháo quy mô lớn, khiến chi phí vay mua nhà tại Mỹ tăng vọt.

Theo ông Eric Hagen, nhà phân tích tài chính chuyên về thế chấp tại BTIG, nguy cơ Trung Quốc hoặc các quốc gia khác bán tháo chứng khoán MBS hiện đang được theo dõi sát sao bởi giới đầu tư.

“Tôi nghĩ đây là mối lo ngại hiện hữu trên radar của nhiều nhà đầu tư và được xem như một nguồn áp lực tiềm tàng", ông Hagen nhận định. “Hầu hết đều e ngại rằng chênh lệch thế chấp có thể mở rộng nếu Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Canada thực hiện các động thái trả đũa kinh tế”. 

Chênh lệch tăng đồng nghĩa với việc lãi suất thế chấp sẽ bị đẩy lên cao hơn – một diễn biến không mong muốn trong bối cảnh thị trường nhà ở đang đứng trước nhiều thách thức. Giá nhà vẫn ở mức cao trong khi lòng tin tiêu dùng suy giảm. Đặc biệt, sau những biến động gần đây trên thị trường chứng khoán, nhiều người mua tiềm năng tỏ ra thận trọng hơn với khoản tiết kiệm và thu nhập của mình.

Một khảo sát gần đây của Redfin cho thấy, cứ 5 người mua nhà thì có 1 người phải bán cổ phiếu để có tiền cho khoản thanh toán ban đầu, cho thấy người dân Mỹ vẫn phụ thuộc nhiều vào các khoản vay thế chấp để có thể sở hữu bất động sản.

Việc các nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp tục bán ra MBS khiến thị trường càng thêm bất an. “Sự thiếu minh bạch về khối lượng MBS có thể được bán ra và mức độ sẵn sàng bán của họ là điều khiến giới đầu tư lo lắng", Hagen cho biết.

Không chỉ có các nhà đầu tư nước ngoài, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – vốn là một trong những chủ sở hữu MBS lớn nhất – cũng đang từng bước thu hẹp danh mục đầu tư của mình. Động thái này là một phần trong chiến lược siết chặt bảng cân đối kế toán nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định nền kinh tế.

Điều đáng chú ý là trong những thời kỳ khủng hoảng, như đại dịch COVID-19, Fed từng đóng vai trò then chốt trong việc mua vào MBS để giữ lãi suất ở mức thấp và ổn định thị trường. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cơ quan này đang rút lui khỏi vai trò “bệ đỡ” tài chính.

Với sự kết hợp của nhiều yếu tố tiêu cực – từ lãi suất thế chấp tăng, bán tháo MBS từ nước ngoài, đến chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed – thị trường nhà ở Mỹ mùa xuân năm nay đang đứng trước nguy cơ chững lại, thậm chí suy giảm.

Tham khảo CNBC