Từ 'iPhone City' đến nhà máy linh kiện hơn 4.700 tỷ đồng ở Việt Nam: Tham vọng của ông lớn Foxconn trong cuộc chiến xe điện khốc liệt
(Thị trường tài chính) - Foxconn tự tin tuyên bố những yếu tố khiến hãng sản xuất hợp đồng iPhone nhanh, rẻ hơn so với đối thủ sẽ được chuyển hóa sang mảng xe điện.
Giảm phụ thuộc vào Apple
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của Foxconn nằm ở Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam ở miền Trung Trung Quốc, được biết đến với tên gọi "Thành phố iPhone". Đây là nơi có mạng lưới các nhà cung cấp, cơ sở hạ tầng và nhà máy, cùng với số lượng nhân viên có lúc lên tới 250.000 người, sản xuất hầu hết iPhone trên thế giới cho Apple.
Hiện tại, “gã khổng lồ” điện tử Đài Loan (Trung Quốc) đang có kế hoạch xây dựng một cơ sở mới rộng hơn 280ha tại Trịnh Châu để sản xuất ô tô điện.
Vào tháng 2, Apple đã hủy bỏ dự án phát triển xe điện đã kéo dài nhiều năm sau khi đầu tư hơn 10 tỷ USD vào đó. Trong khi đó, nhiều đối thủ của công ty ở Trung Quốc đã tiến xa trong lĩnh vực này.
Đối với Foxconn, khoản đầu tư vào Trịnh Châu là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào Apple. Doanh số bán iPhone tại Trung Quốc đã giảm mạnh, Apple cùng các nhà sản xuất thiết bị khác của Mỹ đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác.
Foxconn đang muốn thiết kế, sản xuất và lắp ráp xe điện hợp đồng cho những thương hiệu ô tô khác, tương tự như những gì họ đang làm với iPhone của Apple.
Cho đến nay, hãng đã giành được đơn đặt hàng từ Luxgen, công ty con của một nhà sản xuất ô tô Đài Loan.
Kirk Yang, Chủ tịch Kirkland Capital, cho biết: "Họ cần một bước đột phá, nghĩa là phải tìm được một khách hàng lớn trong mảng xe điện".
Cuộc chiến xe điện ngày càng khốc liệt
Stephen Dyer, Giám đốc bộ phận ô tô châu Á tại AlixPartners cho biết, hơn 130 công ty đã bán xe điện tại Trung Quốc vào năm ngoái. Công ty dự kiến sẽ có ít hơn 20 công ty trong số đó có lãi vào cuối thập kỷ này.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt mức thuế quan cao để ngăn chặn xe điện Trung Quốc. Sự cạnh tranh khốc liệt đã châm ngòi cho một cuộc chiến giá cả khiến ngay cả Tesla, hãng xe Mỹ dẫn đầu trong việc sản xuất và bán xe điện tại Trung Quốc cũng phải giảm giá.
Tại Trung Quốc, ranh giới giữa các nhà sản xuất điện thoại thông minh và các công ty sản xuất ô tô ngày càng mờ nhạt. Huawei và Xiaomi, hai trong số các công ty đã vượt qua Apple để trở thành các thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất tại quốc gia này, đã bắt đầu bán xe điện.
Chỉ vài ngày sau khi Foxconn công bố khoản đầu tư vào cơ sở xe điện Trịnh Châu, Xiaomi đã khởi công cơ sở thứ hai.
Ban lãnh đạo Foxconn tự tin tuyên bố những yếu tố khiến hãng sản xuất hợp đồng iPhone nhanh, rẻ hơn so với đối thủ sẽ được chuyển hóa sang mảng xe điện.
Điều này đồng nghĩa những yếu tố như sự hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng từ chính phủ như đường xá, trạm điện, ưu đãi thuế... đã từng diễn ra trong mảng smartphone sẽ được Foxconn tái diễn ở xe điện.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu sức mạnh sản xuất có đủ để giúp Foxconn nổi bật trên thị trường xe điện vốn đông đúc của Trung Quốc hay không.
"Điều giúp các nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc chiến thắng trên thị trường không nhất thiết là sản xuất, mà chủ yếu là về phần mềm và công nghệ mà họ cung cấp cho người tiêu dùng," ông Dyer, người trước đây là Giám đốc điều hành tại Ford Motor ở Thượng Hải, cho biết.
Khi nói đến ô tô, độ tin cậy và an toàn là vô cùng quan trọng đối với khách hàng, bên cạnh giá thành thấp. "Nếu một thiết bị điện tử tiêu dùng gặp trục trặc, nó chỉ là sự cố", ông nói. "Nhưng một sự cố ô tô có thể gây tử vong".
Mở nhà máy linh kiện xe điện ở khu vực Đông Nam Á
Foxconn đã đầu tư hàng trăm triệu USD vào sản xuất liên quan đến xe điện ở Đông Nam Á. Công ty có kế hoạch sản xuất pin và phụ tùng ô tô tại Thái Lan và Việt Nam, vi mạch cho ô tô tại Malaysia.
Tại Việt Nam, dự án nhà máy FECV Foxconn Quảng Ninh có diện tích 6,3 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4.755 tỷ đồng (tương đương 200,24 triệu USD), quy mô khoảng 1.200 lao động. Nhà máy này được xây dựng để chuyên sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, sạc điện, bộ điều khiển sạc điện cho xe điện, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 1/2025.
Foxconn cũng có kế hoạch tham gia vào một dự án pin trị giá hàng tỷ USD ở Indonesia, cùng với một số công ty khác bao gồm một công ty than thuộc sở hữu Nhà nước. Công ty cũng đang đàm phán với hai nhà sản xuất ô tô Nhật Bản để sản xuất xe cho họ.
Tại một nhà máy cũ của General Motors ở Ohio mà Foxconn đã mua lại từ Lordstown Motors, công ty đã sản xuất một số lượng nhỏ xe buýt điện.
Tại quê nhà Đài Loan vào năm 2021, Foxconn đã thành lập một liên doanh với nhà sản xuất ô tô Đài Loan Yulon Motor để sản xuất xe sedan hạng sang, xe thể thao đa dụng và xe buýt dưới tên Foxtron. Hôm 14/8, Foxconn cho biết họ đã giao 5.400 xe cho Yulon trong năm nay.
Theo New York Times