Trung Quốc bất ngờ ngừng mua máy bay Boeing, chuyện gì xảy ra?
(Thị trường tài chính) - Chính phủ Trung Quốc cũng đang xem xét các phương án hỗ trợ những hãng hàng không đang thuê máy bay Boeing và bị ảnh hưởng bởi chi phí gia tăng.
Trung Quốc mới đây đã yêu cầu các hãng hàng không trong nước tạm ngừng nhận thêm bất kỳ máy bay nào từ hãng Boeing, như một phần trong cuộc chiến thương mại “ăn miếng trả miếng” với Mỹ, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng chỉ đạo các hãng hàng không Trung Quốc ngừng mua sắm thiết bị và linh kiện liên quan đến máy bay từ các công ty Mỹ. Động thái này được đưa ra sau khi Trung Quốc công bố mức thuế trả đũa 125% đối với hàng hóa Mỹ vào cuối tuần qua.
Chỉ riêng mức thuế này đã đủ để tăng gấp đôi chi phí đối với máy bay và linh kiện sản xuất tại Mỹ, khiến việc tiếp nhận máy bay Boeing trở nên không khả thi về mặt tài chính.
Chính phủ Trung Quốc cũng đang xem xét các phương án hỗ trợ những hãng hàng không đang thuê máy bay Boeing và bị ảnh hưởng bởi chi phí gia tăng, theo các nguồn tin.
Cuộc đối đầu thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn biến nhanh chóng, và Boeing bị kẹt giữa tâm điểm. Dù vậy, tình hình vẫn còn nhiều biến động và có thể thay đổi bất cứ lúc nào.
Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã rút lại một số mức thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm cả iPhone của Apple.
Hiện có khoảng 10 chiếc Boeing 737 Max chuẩn bị được bàn giao cho các hãng hàng không Trung Quốc, trong đó có China Southern Airlines, Air China và Xiamen Airlines, mỗi hãng dự kiến nhận hai chiếc, theo dữ liệu từ Aviation Flights Group.
Một số máy bay hiện đang được lưu trữ gần nhà máy của Boeing ở Seattle, trong khi số khác nằm tại trung tâm hoàn thiện của hãng ở Chu San, miền đông Trung Quốc.
Một số giấy tờ bàn giao và thanh toán cho các máy bay này có thể đã được hoàn tất trước khi Trung Quốc công bố mức thuế mới vào ngày 11/4, chính thức có hiệu lực từ ngày 12/4. Những chiếc máy bay đó có thể được phép nhập cảnh vào Trung Quốc theo từng trường hợp cụ thể.

Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc chưa phản hồi yêu cầu bình luận qua fax. Boeing từ chối đưa ra bình luận, trong khi các đại diện từ China Southern, Air China và Xiamen Airlines cũng không phản hồi.
Tuần trước, hãng Juneyao Airlines đã hoãn việc tiếp nhận một chiếc Boeing 787-9 Dreamliner vốn dự kiến được giao trong vòng 3 tuần tới.
Đây là một đòn giáng mới đối với Boeing tại một trong những thị trường máy bay lớn nhất thế giới. Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm khoảng 20% nhu cầu máy bay toàn cầu trong 20 năm tới.
Năm 2018, gần 25% lượng máy bay Boeing sản xuất đã được chuyển đến Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đó đến nay, Boeing chưa công bố thêm bất kỳ đơn hàng lớn nào từ Trung Quốc do căng thẳng thương mại và các sự cố nội bộ.

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên cấm bay dòng 737 Max sau hai vụ tai nạn chết người vào năm 2019. Các tranh chấp thương mại với cả hai chính quyền Trump và Biden cũng khiến các hãng hàng không Trung Quốc chuyển hướng sang Airbus của châu Âu.
Gần đây, Boeing lại tiếp tục đối mặt với khủng hoảng chất lượng sau sự cố bung nắp cửa giữa chuyến bay vào tháng 1/2024.
Tuy vậy, tình hình cũng cho thấy Trung Quốc vẫn chưa thể hoàn toàn độc lập với nguồn cung máy bay từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không trong nước. Mặc dù Airbus hiện là nhà cung cấp chính và mẫu máy bay C919 do Trung Quốc tự sản xuất đang dần góp phần đáp ứng nhu cầu dòng thân hẹp, các hãng hàng không vẫn còn vận hành hàng trăm máy bay Boeing.
Ngày 11/4, Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế 125% đối với toàn bộ hàng hóa Mỹ kể từ ngày 12/4 – bước leo thang mới nhất trong căng thẳng thương mại khởi nguồn từ các chính sách áp thuế của ông Trump nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.
Nếu tính cả mức thuế 20% được áp đầu năm nay do vai trò của Trung Quốc trong hoạt động buôn bán fentanyl, mức thuế tổng thể của Mỹ lên hàng Trung Quốc hiện đã đạt 145%.
Hiện Boeing vẫn đang tồn kho hàng loạt máy bay vốn được sản xuất dành cho các hãng hàng không Trung Quốc. Hãng cảnh báo rằng căng thẳng thương mại leo thang có thể gây tổn hại thêm cho chuỗi cung ứng vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch và chỉ mới bắt đầu hồi phục trở lại.