Trung Quốc bắt giữ nhân viên AstraZeneca trong cuộc điều tra về thuốc ung thư nhập khẩu
(Thị trường tài chính) - Cảnh sát Trung Quốc đã bắt giữ 5 nhân viên đã và đang làm việc tại công ty dược phẩm AstraZeneca.
Theo nguồn tin cho biết, những người bị bắt giữ đều là công dân Trung Quốc, làm việc trong bộ phận tiếp thị thuốc ung thư của AstraZeneca. Cuộc điều tra đang được cảnh sát ở thành phố Thâm Quyến tiến hành, và các vụ bắt giữ đã diễn ra từ đầu mùa hè.
Một cuộc điều tra đang tập trung vào việc thu thập dữ liệu bệnh nhân của công ty và khả năng vi phạm luật bảo mật dữ liệu của Trung Quốc. Ngoài ra, các nhà chức trách cũng đang điều tra sự liên quan của một số cá nhân đến việc nhập khẩu một loại thuốc ung thư gan chưa được phê duyệt ở Trung Quốc đại lục.
AstraZeneca cho biết họ biết về vụ việc nhưng không có thêm thông tin để chia sẻ tại thời điểm này. Cảnh sát Thâm Quyến chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Các cuộc điều tra này có thể là trở ngại cho AstraZeneca, tập đoàn dược phẩm toàn cầu đã có vị thế vững chắc tại Trung Quốc. Trong khi căng thẳng địa chính trị gia tăng khiến nhiều công ty đa quốc gia thận trọng hơn với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, AstraZeneca vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào thị trường Trung Quốc.
Trước đó, vào năm 2022, AstraZeneca đã bị chính quyền Trung Quốc điều tra vì cáo buộc làm giả kết quả xét nghiệm gen của bệnh nhân ung thư để được hoàn lại tiền từ bảo hiểm y tế. Công ty đã thừa nhận sai lầm và thực hiện các biện pháp kỷ luật.
Sự an toàn của nhân viên và rủi ro bị cuốn vào các cuộc điều tra của Chính phủ đã trở thành một vấn đề đáng lo ngại đối với một số công ty nước ngoài tại Trung Quốc. Cảnh sát Trung Quốc thường bắt giữ người để thẩm vấn trong thời gian dài, có thể kéo dài nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Năm ngoái, 5 nhân viên địa phương của công ty tư vấn Mỹ Mintz Group đã bị bắt giữ, và văn phòng của công ty này tại Bắc Kinh bị cảnh sát đột kích. Công ty này sau đó bị phạt vì thu thập dữ liệu trái phép. Trong một vụ khác, 3 nhân viên của công ty quảng cáo WPP cũng bị bắt tại Trung Quốc do liên quan đến một cuộc điều tra hối lộ. Trung Quốc cũng đã bắt giữ một số người làm việc cho các công ty nước ngoài với cáo buộc hoạt động gián điệp. Điều này cho thấy chính quyền Trung Quốc đang siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp nước ngoài và nhân viên của họ.
Trung Quốc - thị trường quan trọng bậc nhất của AstraZeneca
Bắc Kinh gần đây đã ban hành các luật mới về bảo mật dữ liệu và bảo vệ thông tin cá nhân, yêu cầu các công ty giữ phần lớn dữ liệu mà họ thu thập được tại Trung Quốc. Một số công ty đa quốc gia lo ngại về việc vi phạm các quy định này, có thể dẫn đến tiền phạt và các hình phạt khác.
Cuộc điều tra về hoạt động kinh doanh của AstraZeneca diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường trấn áp buôn lậu thuốc. Mặc dù đã có những nỗ lực cải cách để đẩy nhanh quá trình phê duyệt thuốc mới, nhiều loại thuốc vẫn chưa có sẵn hoặc được phê duyệt muộn hơn so với các nước khác. Điều này khiến bệnh nhân phải tìm thuốc từ bên ngoài Trung Quốc, đôi khi thông qua các kênh bất hợp pháp.
Theo báo cáo của truyền thông địa phương, trong tháng 7, cơ quan quản lý ở tỉnh Quảng Đông đã phá vỡ một đường dây buôn lậu thuốc, thu giữ số thuốc trị giá 200 triệu nhân dân tệ ( khoảng 28 triệu USD) chữa các bệnh như ung thư và tiểu đường.
AstraZeneca đã có mặt tại Trung Quốc từ năm 1993 và báo cáo doanh thu 5,9 tỷ USD từ thị trường này vào năm ngoái, chiếm hơn 10% tổng doanh thu của tập đoàn. Công ty có các địa điểm cung ứng toàn cầu tại Vô Tích, Thái Châu và Thanh Đảo, và cung cấp các loại thuốc và liệu pháp chữa trị ung thư, bệnh liên quan đến hô hấp, tim mạch và các tình trạng khác.
Từ năm ngoái, AstraZeneca đã cam kết đầu tư hơn 1 tỷ USD để xây dựng hai nhà máy mới tại Trung Quốc. Công ty cũng đã hợp tác với một công ty công nghệ sinh học địa phương trong cuộc đua phát triển thuốc giảm cân và mua lại một công ty Trung Quốc để phát triển liệu pháp điều trị tế bào.
Tháng trước, tại thành phố Thanh Đảo, ông Leon Wang, chủ tịch AstraZeneca Trung Quốc, đã phát biểu trước một nhóm các giám đốc điều hành toàn cầu và quan chức Chính phủ rằng công ty tin tưởng mạnh mẽ rằng việc sản xuất tại Trung Quốc là một phần không thể thiếu của chuỗi cung ứng toàn cầu và tiềm năng đổi mới của Trung Quốc để vượt lên trước và dẫn đầu ngành công nghiệp.
Theo bài đăng trên tài khoản WeChat chính thức của công ty, ông Wang cho biết, AstraZeneca đặt mục tiêu trở thành một công ty đa quốc gia kết hợp sự đổi mới từ cả Trung Quốc và phương Tây.
Theo BNN