Thủy cung Trung Quốc gây tranh cãi vì sử dụng cá mập voi ‘hàng fake’, khách tham quan phẫn nộ đòi lại tiền vé
(Thị trường tài chính) - Bên cạnh đó, nhiều người lại ủng hộ cách tiếp cận này như một giải pháp bảo vệ động vật và thúc đẩy giáo dục đại dương.
Một thủy cung ở miền Nam Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích vì trưng bày một cá mập voi robot thay vì cá sống, làm dấy lên những tranh luận sôi nổi về quyền lợi động vật và quyền lợi người tiêu dùng.
Các video lan truyền trên mạng ghi lại hình ảnh một cá mập voi robot kích thước thật lướt qua làn nước tại Xiaomeisha Sea World ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, sau khi nơi này mở cửa trở lại vào tháng 10.
Tuy nhiên, con robot này đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều từ khách tham quan. Một số bị thu hút bởi thiết kế sáng tạo, trong khi những người khác cảm thấy bị lừa dối. Được biết thủy cung này hiện thu phí vào cửa 230 NDT/vé (khoảng 807.000 đồng).
Nhiều du khách bày tỏ sự không hài lòng và yêu cầu bồi thường trên trang Dazhong Dianping, nền tảng đánh giá do Meituan vận hành.
Một người bình luận: "Tôi không thể tin được con cá mập voi là đồ giả. Thật vô lý khi phải trả hơn 200 NDT cho một vé". Một người khác thậm chí đe dọa sẽ “báo cáo và yêu cầu đóng cửa nơi này” vì con cá mập voi giả.
Ngược lại, cũng có một số người ủng hộ cách tiếp cận của thủy cung. Một người dùng trên Xiaohongshu nhận xét: “Đây là một giải pháp thay thế tuyệt vời để trưng bày các sinh vật biển lớn mà không phải giam cầm chúng trong bể. Thay vì che giấu danh tính thật của cá mập voi với khách tham quan, thủy cung nên tận dụng cơ hội này để giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật”.
Đây không phải là lần đầu tiên một thủy cung Trung Quốc sử dụng cá mập voi robot thay cho cá sống. Theo National Business Daily, một robot tương tự đã xuất hiện tại công viên Hải dương Haichang Thượng Hải vào năm 2022.
Mỗi cá mập voi robot có giá hàng triệu NDT (tương đương hàng trăm nghìn USD), nhưng vẫn rẻ hơn đáng kể so với chi phí duy trì cá sống. Cá mập voi – loài cá lớn nhất thế giới – có thể tốn hơn 100 triệu NDT (khoảng 351 tỷ đồng) để nuôi và chăm sóc.
Ông Li Jianping, viện trưởng Học viện Đại dương Tương lai thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc, cho biết trong khi cá mập voi có thể sống từ 80 - 130 năm trong môi trường tự nhiên, chúng thường không sống quá 5 năm trong các thủy cung.
Mặc dù bể cá có thể cung cấp chất lượng nước và nhiệt độ tối ưu, nhưng không gian hạn chế vẫn không đáp ứng được nhu cầu của loài này.
Một đại diện từ Công viên Hải dương Haichang Thượng Hải giải thích, việc bắt giữ cá mập voi bị cấm tại Trung Quốc vì chúng được xếp vào danh sách các loài được bảo vệ cấp quốc gia loại 2. Vì vậy, việc trưng bày cá mập voi robot là một cách để vừa bảo vệ loài sinh vật biển này vừa thúc đẩy giáo dục đại dương.
Dù một số du khách tại Xiaomeisha Sea World bày tỏ cảm giác bị "lừa" và yêu cầu hoàn lại tiền, những người khác vẫn khen ngợi sự cam kết ngày càng tăng của các thủy cung đối với việc bảo vệ động vật, cho rằng điều này có thể chấp nhận được miễn là khách hàng được thông báo trước về cá mập voi robot.
Theo SCMP