HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

‘Thiên tài Toán học’ 17 tuổi từng vượt mặt hàng loạt Giáo sư, sinh viên MIT, Harvard bị phát hiện gian lận thi cử, thầy giáo là đồng phạm tiếp tay

Nhã San

(Thị trường tài chính) - Vụ gian lận làm dấy lên những lo ngại về áp lực thành tích trong giáo dục Trung Quốc.

Vừa qua, làng giáo dục Trung Quốc xôn xao trước vụ việc Khương Bình, một nữ sinh 17 tuổi học trường trung cấp nghề, bị phát hiện gian lận trong cuộc thi Toán học toàn cầu 2024 do Tập đoàn Alibaba tổ chức. Đây là một câu chuyện có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến dư luận khi ban đầu, Khương Bình được ca ngợi như "thiên tài Toán học" và trở thành hiện tượng nổi bật khi vượt qua nhiều đối thủ danh tiếng từ các trường đại học hàng đầu thế giới.

Từ "thiên tài Toán học" đến nghi án gian lận

Trong cuộc thi Toán học toàn cầu tổ chức vào tháng 6, Khương Bình đạt 93 điểm, xếp thứ 12 toàn cầu và là nữ sinh duy nhất lọt vào top 30. Cô vượt qua cả những sinh viên, Giáo sư từ các trường danh tiếng như Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Harvard, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh. 

Khương Bình, học sinh năm nhất chuyên ngành Thiết kế thời trang tại Trường Trung cấp dạy nghề Liên Thủy, nhanh chóng nổi tiếng và được truyền thông Trung Quốc gọi là "thiên tài ẩn mình".

‘Thiên tài Toán học’ 17 tuổi từng vượt mặt hàng loạt Giáo sư, sinh viên MIT, Harvard bị phát hiện gian lận thi cử, thầy giáo là đồng phạm tiếp tay - ảnh 1
Nữ sinh Khương Bình. Ảnh: Baidu

Câu chuyện của Khương Bình còn trở nên đặc biệt nhờ vào người thầy hướng dẫn - thầy Vương Nhuận Thu, một cựu sinh viên chuyên ngành Toán học của Đại học Giang Tô, người từng ba lần vào chung kết cuộc thi toán của Alibaba. 

Thầy Vương chia sẻ rằng việc phát hiện tài năng của Khương Bình đã làm sống lại giấc mơ chưa thành của ông. Sự nghiệp của thầy cũng nhờ thế mà nhận được nhiều sự quan tâm, thậm chí ông được đề cử danh hiệu "giáo viên xuất sắc" của trường.

Tuy nhiên, ngay từ khi thông tin về thành tích của Khương Bình được công bố, dư luận không ngừng đặt câu hỏi. Một số chuyên gia và thí sinh tham gia cuộc thi nghi ngờ năng lực thực sự của cô. Thầy Triệu Bân, giảng viên của Đại học Bắc Kinh và là người từng tham gia cuộc thi nhiều lần, nhận định rằng khả năng của Khương Bình 99,99% là dàn dựng khi cô mắc nhiều lỗi cơ bản trong cách giải bài, cũng như viết sai ký hiệu và tập xác định. Ngay sau đó, các thí sinh khác yêu cầu ban tổ chức công khai bài làm của cô để kiểm chứng.

Kết quả điều tra và sự thật phơi bày

Ngày 3/11, ban tổ chức cuộc thi Toán học toàn cầu 2024 của Alibaba chính thức xác nhận Khương Bình gian lận. Kết quả điều tra cho thấy thầy Vương đã tuồn đáp án cho học trò trong vòng sơ khảo, vi phạm quy định cấm thảo luận và hỗ trợ từ người khác trong quá trình thi. Do đó, thành tích của cả Khương Bình và thầy Vương bị hủy bỏ.

‘Thiên tài Toán học’ 17 tuổi từng vượt mặt hàng loạt Giáo sư, sinh viên MIT, Harvard bị phát hiện gian lận thi cử, thầy giáo là đồng phạm tiếp tay - ảnh 2
Khương Bình và thầy Vương Nhuận Thu. Ảnh: Baidu

Sau khi vụ việc được công khai, trường Trung cấp dạy nghề Liên Thủy đã ngay lập tức ra thông cáo khiển trách thầy Vương, tước danh hiệu "giáo viên xuất sắc" và hủy tư cách của ông trong các hoạt động khen thưởng năm nay. Đồng thời, nhà trường cũng cam kết sẽ tăng cường xây dựng đạo đức nhà giáo và hướng dẫn học sinh về quan niệm thành công đúng đắn. Trường kêu gọi dư luận thông cảm và dành sự bao dung cho Khương Bình, một nữ sinh trẻ tuổi chưa đủ chín chắn khi đứng trước áp lực của xã hội.

Cuộc thi Toán học toàn cầu do Alibaba tổ chức hướng tới mục tiêu tạo sân chơi công bằng, lành mạnh cho những người yêu thích Toán học. Tuy nhiên, vụ gian lận lần này đã bộc lộ những lỗ hổng trong quy trình quản lý và giám sát của ban tổ chức. Phía ban tổ chức cũng gửi lời xin lỗi đến công chúng, cam kết sẽ nghiêm túc lắng nghe ý kiến từ các bên để cải thiện quy chế tổ chức thi, đảm bảo tính công bằng và minh bạch cho các kỳ thi trong tương lai.

Vụ việc Khương Bình cho thấy áp lực thành tích đã gây ra nhiều hệ lụy, đặc biệt khi danh vọng và vinh quang bị thổi phồng. Câu chuyện cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về lòng trung thực trong giáo dục và trách nhiệm của người hướng dẫn. Đây là bài học đắt giá không chỉ cho những người tham gia các cuộc thi học thuật mà còn cho toàn xã hội về giá trị của đạo đức và sự trung thực trong học tập.

Theo Oriental Daily, NetEase