Tập đoàn chip lớn nhất Trung Quốc bị điều tra vì nghi vấn ‘săn trộm’ nhân tài công nghệ

Thiên Kim

(Thị trường tài chính) - Theo giới chức, SMIC đã lập một chi nhánh trá hình để thu hút nhân tài, trong bối cảnh Bắc Kinh đẩy mạnh nỗ lực giành quyền tự chủ về công nghệ giữa hàng loạt lệnh cấm vận từ Mỹ.

Giới chức Đài Loan (Trung Quốc) hôm 28/3 cáo buộc Semiconductor Manufacturing International (SMIC) – nhà sản xuất chip hàng đầu của Trung Quốc – tuyển dụng trái phép nhân tài trong lĩnh vực công nghệ cao ở khu vực này.

Theo tuyên bố của Cục Điều tra Đài Loan, SMIC đã lập một chi nhánh ở Đài Loan dưới danh nghĩa một công ty đầu nước ngoài và “tích cực chiêu mộ” nhân sự trong ngành bán dẫn.

Cơ quan này – trực thuộc Bộ Tư pháp Đài Loan – cho biết các điều tra viên đã khám xét 34 địa điểm và thẩm vấn 90 người trong khuôn khổ cuộc điều tra quy mô lớn liên quan đến 11 công ty công nghệ Trung Quốc, trong đó có SMIC.

Tập đoàn chip lớn nhất Trung Quốc bị điều tra vì nghi vấn ‘săn trộm’ nhân tài công nghệ  - ảnh 1SMIC của Trung Quốc bị cáo buộc ‘chiêu mộ trái phép’ nhân tài công nghệ. Ảnh: CNBC 

SMIC là công ty sản xuất chip lớn nhất của Trung Quốc. Tên tuổi của hãng trở thành tâm điểm vào năm 2023 khi hợp tác với Huawei để sản xuất chip tiên tiến 7nm, bất chấp hàng loạt lệnh hạn chế do Mỹ dẫn đầu nhằm ngăn chặn Trung Quốc sở hữu các thiết bị sản xuất bán dẫn hiện đại nhất. 

Trước đó vài năm, SMIC đã bị đưa vào danh sách đen xuất khẩu của Chính phủ Mỹ.

Quá trình phát triển công nghệ của 2 công ty này hiện đang gặp khó khăn do không thể tiếp cận hệ thống quang khắc cực tím (EUV) của ASML, vốn là thiết bị thiết yếu để sản xuất các dòng chip tiên tiến nhất.

Trong bối cảnh ngày càng bị hạn chế tiếp cận công nghệ cao cấp của nước ngoài, Trung Quốc đang đẩy mạnh nỗ lực chiêu mộ kỹ sư từ Đài Loan và các nơi khác nhằm thu thập bí quyết trong lĩnh vực bán dẫn và các ngành công nghệ tiên tiến khác.

Đài Loan từ lâu đã trở thành mục tiêu săn đón nhân tài của Trung Quốc, với sự hiện diện của TSMC – nhà sản xuất chip lớn nhất và tiên tiến nhất thế giới.

Mỹ cũng đang tìm cách khai thác nguồn nhân lực này và mở rộng năng lực sản xuất chip trong nước bằng cách thuyết phục TSMC xây dựng thêm nhà máy tại Mỹ.

Theo quy định của Đài Loan, các công ty Trung Quốc không được phép tuyển dụng nhân sự địa phương hay hoạt động kinh doanh trên đảo nếu chưa có sự chấp thuận chính thức từ chính quyền. 

Nhưng nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã lập văn phòng tại Đài Loan dưới vỏ bọc công ty nước ngoài hoặc địa phương để lách luật. Mức lương cao mà các công ty Trung Quốc đưa ra để lôi kéo kỹ sư Đài Loan cũng thường xuyên trở thành đề tài nóng trên truyền thông.

Cục Điều tra Đài Loan tiết lộ họ đã mở hơn 100 cuộc điều tra về hoạt động tuyển dụng trái phép của các công ty Trung Quốc kể từ khi thành lập lực lượng đặc nhiệm chuyên trách vấn đề này vào năm 2020.

Theo CNBC