‘Siêu vi khuẩn’ có thể khiến hơn 39 triệu người trên toàn thế giới tử vong trong vòng 25 năm tới
(Thị trường tài chính) - Trong khi số ca tử vong do kháng thuốc ở trẻ em đã giảm đáng kể nhờ tiến bộ trong tiêm chủng và vệ sinh, tình hình lại diễn biến theo chiều hướng ngược lại ở người cao tuổi.
Theo một phân tích toàn cầu được công bố trên tạp chí The Lancet, đã có hơn 1 triệu người trên toàn thế giới đã tử vong hàng năm do kháng kháng sinh từ năm 1990 đến 2021, và hơn 39 triệu người có thể chết vì nhiễm trùng kháng kháng sinh trong 25 năm tới.
Kháng kháng sinh, hay còn gọi là AMR, xảy ra khi các loại vi khuẩn trở nên kháng thuốc. Từ năm 1990 đến 2021, mỗi năm thế giới có hơn 1 triệu người tử vong trực tiếp do AMR. Theo dự báo, tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong những thập kỷ tới.
"Mối đe dọa này đang gia tăng", ông Mohsen Naghavi, đồng tác giả chính của nghiên cứu và là trưởng nhóm nghiên cứu AMR tại Viện Đánh giá Chỉ số Sức khỏe thuộc Đại học Washington (IHME), cho biết. "Thuốc kháng sinh là một trong những trụ cột của y học hiện đại, và tình trạng kháng thuốc ngày càng tăng đang trở thành một mối lo ngại lớn".
Khả năng miễn dịch ngày càng tăng của vi khuẩn đối với nhiều loại thuốc thông thường là hậu quả của việc lạm dụng kháng sinh ở người và động vật. Điều này khiến việc điều trị nhiễm trùng trở nên khó khăn hơn và làm tăng rủi ro khi phẫu thuật, sinh mổ và điều trị ung thư.
Nghiên cứu mới đây với sự tham gia của hơn 500 nhà khoa học toàn cầu đã ghi nhận những phát hiện đáng lo ngại về kháng thuốc kháng sinh (AMR). Trong khi số ca tử vong do AMR ở trẻ em dưới 5 tuổi có dấu hiệu giảm, thì mối đe dọa của siêu vi khuẩn lại ngày càng lớn đối với người cao tuổi. Cụ thể, số người trên 70 tuổi tử vong do nhiễm trùng kháng thuốc đã tăng 80% trong 30 năm qua và dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050, lên tới 1,3 triệu ca.
Liên Hợp Quốc đã đưa ra cảnh báo về vấn đề này trong một cuộc họp quan trọng vào năm 2016, nhưng kể từ đó đến nay tình hình chưa có chút tiến triển nào. Nhóm nghiên cứu cảnh báo rằng AMR hiện đang là một "rủi ro hệ thống tương tự như biến đổi khí hậu và sự mất mát của thiên nhiên".
Theo một báo cáo được công bố vào tháng trước, nếu không được kiểm soát, AMR có thể dẫn đến chi phí y tế tăng thêm khoảng 1 nghìn tỷ USD vào năm 2050, cùng với mức sụt giảm 3,8% trong GDP toàn cầu.
"Chúng ta cần khẩn trương có những chiến lược mới để giảm nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng thông qua việc sử dụng vắc-xin, phát triển thuốc mới, cải thiện hệ thống chăm sóc y tế, tăng cường tiếp cận kháng sinh hiện có, và cung cấp hướng dẫn về cách sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất", ông Stein Emil Vollset, đồng tác giả chính của nghiên cứu và giáo sư liên kết tại IHME, nhấn mạnh.
Theo Business Times