Siêu dự án đập thủy điện khổng lồ cao hơn đập Tam Hiệp: Sản xuất 39 tỷ kWh điện/năm, chi phí xây dựng hơn 470 nghìn tỷ đồng
(Thị trường tài chính) - Đây không chỉ là một siêu đập thủy điện mà còn là kỳ tích kỹ thuật của nước láng giềng Việt Nam.
Trung Quốc là một trong những quốc gia xây dựng nên hệ thống siêu đập thủy điện khủng hàng đầu thế giới. Tại đây, nổi tiếng nhất là đập Tam Hiệp, con đập lớn nhất thế giới nằm trên sông Dương Tử với công suất 22,5 triệu kilowatt điện. Được biết, chiều dài đập Tam Hiệp lên tới 2.355m, đỉnh đập cao 185m so với mực nước biển và thành đập cao 181m so với nền đá.
Tuy nhiên, quốc gia này còn sở hữu một con đập khủng không kém với chiều cao gấp rưỡi đập Tam Hiệp. Đó chính là siêu đập Ô Đông Đức, tọa lạc trên sông Kim Sa, thượng nguồn sông Dương Tử.
Được biết, công trình khổng lồ này có chiều cao tối đa lên tới 270m, tương đương một tòa nhà 90 tầng. Có sức chứa 7,4 tỷ m3 nước, tổng công suất 10,2 gigawatt, đập Ô Đông Đức không chỉ cung cấp nguồn điện sạch, giảm thiểu đáng kể lượng khí thải carbon mà còn góp phần điều tiết dòng chảy và giảm thiểu rủi ro lũ lụt.
Con đập được lắp đặt 12 tổ máy phát thủy điện, nếu hoạt động hết công suất, nó có thể sản xuất gần 39 tỷ kWh điện mỗi năm. Nghĩa là con đập có khả năng giúp giảm khoảng 30,5 triệu tấn khí thải carbon dioxide.
Nhiều người cho rằng Ô Đông Đức không chỉ là một siêu đập thủy điện mà còn là một kỳ tích kỹ thuật của Trung Quốc. Dự án này tiêu tốn 18,76 tỷ USD chi phí xây dựng, tương đương hơn 470 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại. Nó được thi công từ cuối năm 2015 và những tổ máy đầu tiên phát điện vào tháng 6/2020.
Việc hoàn thành đập Ô Đông Đức đánh dấu một bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng bền vững của Trung Quốc. Dự án không chỉ khẳng định vị thế hàng đầu của quốc gia này trong lĩnh vực thủy điện mà còn là một lời khẳng định cho cam kết trung hòa phát thải carbon vào năm 2060.