Siêu cường lung lay: Chính phủ lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất châu Âu đứng trước nguy cơ sụp đổ, chuyện gì đang xảy ra?
(Thị trường tài chính) - Mâu thuẫn về chính sách kinh tế giữa ba đảng thành viên đang đẩy liên minh cầm quyền của Đức vào bờ vực tan rã, chỉ chưa đầy 1 năm trước thềm cuộc bầu cử.
Căng thẳng trong liên minh cầm quyền "bằng mặt không bằng lòng" giữa Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã leo thang trong những tuần gần đây.
Các cuộc đàm phán khẩn cấp diễn ra vào đêm ngày 3/11 và đầu tuần này, ngay trước thềm cuộc họp thường kỳ ngày 6/11, càng làm dấy lên những đồn đoán về khả năng tan rã sớm của liên minh.
"Chính phủ Đức đã bước vào giai đoạn cuối cùng của cuộc khủng hoảng chính trị âm ỉ, trước khi liên minh cầm quyền sụp đổ", Carsten Brzeski, Giám đốc toàn cầu về vĩ mô tại ING nhận định. Trong khi đó, Holger Schmieding, Nhà kinh tế trưởng Berenberg, cho rằng các đối tác đang có dấu hiệu rõ ràng về việc chuẩn bị cho chiến dịch vận động chống lại nhau.
Tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tổ chức cuộc họp với các lãnh đạo ngành mà không có mặt các đối tác liên minh, khiến đảng FDP phải đáp trả bằng một cuộc họp riêng không có đại diện đảng SPD của ông. Đề xuất kích thích đầu tư kinh doanh của Phó Thủ tướng Robert Habeck (Đảng Xanh) cũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ FDP.
Tình hình càng trở nên căng thẳng khi Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner công bố bài báo về phục hồi kinh tế vào hôm 1/11. Greg Fuzesi, chuyên gia kinh tế khu vực đồng euro tại JPMorgan, đánh giá: "Mặc dù là một nỗ lực nghiêm túc nhằm phân tích và đề xuất giải pháp cho các vấn đề của Đức, nhưng những đề xuất này đi ngược lại lập trường cơ bản của SPD và Đảng Xanh, khiến họ khó có thể chấp nhận".
"Vấn đề không nằm ở nội dung bài báo, dù nó có đi ngược lại các chính sách quan trọng của SPD và Đảng Xanh. Giọng điệu trong bài báo phản ánh rõ nét bầu không khí đã trở nên lạnh nhạt như thế nào giữa các đối tác liên minh", chuyên gia Brzeski nhận định.
Trong cuộc phỏng vấn truyền hình ngày 3/11, Bộ trưởng Tài chính Lindner khẳng định các vấn đề sẽ được giải quyết, đồng thời khéo léo né tránh câu hỏi về khả năng rút khỏi liên minh nếu các đề xuất kinh tế của mình không nhận được sự ủng hộ.
Bất đồng xoay quanh ngân sách
Khoảng cách tài trợ lên tới vài tỷ euro trong ngân sách 2025 đang là thách thức lớn nhất đối với liên minh cầm quyền. Theo Greg Fuzesi, chuyên gia kinh tế khu vực đồng euro tại JPMorgan, liên minh đang phải đối mặt với áp lực kép: thời hạn chốt ngân sách vào giữa tháng 11 và hậu quả từ phán quyết của Tòa án Hiến pháp năm ngoái - vốn cấm chính phủ tái phân bổ các quỹ khẩn cấp Covid-19.
Trong bối cảnh triển vọng kinh tế u ám của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, các đảng viên trong liên minh ngày càng bất đồng về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và bảo vệ vị thế công nghiệp của Đức.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck đề xuất thành lập quỹ kích thích đầu tư, bất chấp các quy tắc tài chính nghiêm ngặt. Ngược lại, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner ủng hộ cắt giảm thuế và dừng ban hành quy định mới. Mặc dù lãnh đạo đảng SPD - Lars Klingbeil bày tỏ thiện chí đối thoại, đảng này vẫn kiên định với kế hoạch kinh tế riêng công bố đầu tháng 10.
Trong khi các đảng đối lập như đảng Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ (CDU) và đảng Cực hữu kêu gọi bầu cử sớm, luật pháp Đức quy định rõ: nếu một đảng rút khỏi liên minh, Thủ tướng có thể yêu cầu bỏ phiếu tín nhiệm. Thất bại trong cuộc bỏ phiếu này mới dẫn đến bầu cử trước thời hạn.
Theo các chuyên gia, mặc dù bầu cử sớm chưa phải kịch bản khả dĩ nhất, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra. Brzeski từ ING cho rằng một chính phủ thiểu số vẫn có thể duy trì đến cuộc bầu cử dự kiến cuối năm 2025, ngay cả khi FDP rút lui.
Năm qua, chính trường châu Âu đã chứng kiến sự trỗi dậy của các lực lượng thiên hữu khi các đảng bảo thủ và dân túy tăng cường hiện diện và ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử. Tại Pháp, Ý, Tây Ban Nha, và Thụy Điển, những làn sóng ủng hộ các đảng thiên hữu đã phản ánh sự bất mãn ngày càng lớn của người dân với các chính sách kinh tế, nhập cư, và quản lý khủng hoảng của các chính phủ đương nhiệm.
Trong bối cảnh đó, Đức cũng không ngoại lệ. Sự chia rẽ nội bộ giữa các đảng trong liên minh cầm quyền về vấn đề ngân sách đầu tư để vực dậy nền kinh tế đầu tàu châu Âu đã cho thấy khủng hoảng sâu sắc trong ngay cả những nhà hoạch định chính sách.
Nếu kịch bản bầu cử sớm xảy ra, các đảng thiên hữu như đảng Dân chủ Thiên chúa giáo bảo thủ (CDU) và các lực lượng cực hữu khác sẽ có cơ hội tranh thủ sự bất mãn của cử tri và giành thêm chỗ đứng trong Quốc hội Đức.
Sự biến động này có thể đẩy Đức vào dòng chảy thiên hữu của chính trị của châu Âu, gây ảnh hưởng sâu rộng đến cả chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia đầu tàu kinh tế này.
Theo CNBC