Siêu công trình cao tốc ‘trên mây’ dài 240km trị giá 83.000 tỷ đồng: Gồm 270 cầu cạn, 25 đường hầm bao quanh núi, được ví như ‘kỳ quan kiến trúc’ có 1-0-2
(Thị trường tài chính) - Để xây dựng một công trình hùng vĩ quanh núi với độ cao khủng như Yaxi, đội ngũ xây dựng Trung Quốc đã trải qua nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật, địa chất .
Con đường cao tốc Yaxi, đoạn nối thành phố Nhã An với Tây Xương thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, là minh chứng nổi bật cho sự phát triển vượt bậc của ngành xây dựng tại quốc gia tỷ dân. Với chiều dài 240km, tuyến đường này là một phần của cao tốc Bắc Kinh - Côn Minh, được ví như “đường cao tốc trên mây” hay “nấc thang lên trời” bởi cứ mỗi km, con đường lại cao thêm 7,5m.
Công trình Yaxi, khởi công vào năm 2007 và hoàn thành vào tháng 4/2012, được đầu tư với chi phí lên đến 3,3 tỷ USD (hơn 83.000 tỷ đồng). Đây là một tổ hợp kỹ thuật ấn tượng gồm 270 cầu cạn và 25 đường hầm bao quanh núi. Đặc biệt, tuyến đường này còn nổi tiếng với các đường hầm xoắn ốc kép đầu tiên trên thế giới, như Ganhaizi và Tie Haizi, đạt độ cao liên tục 450m trong hẻm núi hình chữ “V” dài 4km. Điều này mang lại giải pháp tối ưu cho việc "leo dốc" và vượt qua sự chênh lệch về độ cao đáng kể của địa hình.
Vượt qua nhiều thách thức về kỹ thuật và điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, các kỹ sư và công nhân xây dựng đã đối mặt với lở đá, mạch nước phun và mỏ khí gas, vốn là những hiểm họa địa chất phổ biến ở vùng Tứ Xuyên. Thêm vào đó, do tuyến đường nằm trong vùng địa hình phức tạp và khí hậu biến đổi thường xuyên, việc đảm bảo an toàn thi công và vận hành cũng là bài toán khó khăn mà đội ngũ xây dựng phải giải quyết.
Không chỉ đạt thành tựu về kỹ thuật, cao tốc Yaxi còn đặc biệt chú trọng đến môi trường. Các đường hầm xoắn ốc được thiết kế nhằm giảm thiểu tối đa tác động đến núi, giúp bảo vệ cảnh quan tự nhiên nơi đây. Điều này góp phần biến tuyến đường thành một “kỳ quan kiến trúc” hòa hợp với thiên nhiên, là điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch muốn chiêm ngưỡng khung cảnh hùng vĩ của dãy Hoành Đoạn và vùng cao nguyên Tây Tứ Xuyên.
Theo China Daily, cao tốc Yaxi không chỉ là một công trình đẹp “như tranh vẽ” mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện đời sống của hàng triệu cư dân trong khu vực, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch và hỗ trợ sự phát triển bền vững của vùng đất giàu tài nguyên này. Nhờ tuyến đường cao tốc này, các phương tiện từ Nhã An đi Hán Nguyên không còn phải qua núi Nê Ba mà có thể đi qua đường hầm cùng tên, tiết kiệm đáng kể thời gian di chuyển.
Cao tốc Yaxi là minh chứng cho khả năng sáng tạo và sự vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc trong lĩnh vực xây dựng, ghi dấu ấn với những kỳ tích kỹ thuật và sự cống hiến không ngừng vì phát triển bền vững.
Tổng hợp