Quốc gia có diện tích chỉ bằng 1/57 Việt Nam nhưng sở hữu ‘kho báu’ cả thế giới đều cần
(Thị trường tài chính) - Brunei sản xuất khoảng 127.000 thùng dầu/ngày và 243.000 thùng khí đốt/ngày. Chính phủ nước này cũng kỳ vọng sẽ nâng sản lượng dầu lên 350.000 thùng/ngày vào năm 2025.
Brunei là quốc gia nhỏ bé nằm trên đảo Borneo ở Đông Nam Á. Với diện tích chỉ khoảng 5.765km2, Brunei chỉ bằng 1/57 diện tích Việt Nam và dân số vào khoảng 450.000 người.
Trước khi phát hiện ra dầu mỏ và khí đốt vào năm 1929, nền kinh tế Brunei chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong đó có cây cao-su, nhưng sản lượng thấp và thu nhập không cao. Sau này, Brunei đã bắt đầu khai thác dầu mỏ và trở thành một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất trong khu vực (dầu thô là nhiên liệu lỏng được khai thác dưới mặt đất và là nguồn nhiên liệu quan trọng trên toàn cầu).
Được biết, Brunei sản xuất khoảng 127.000 thùng dầu/ngày và 243.000 thùng khí đốt/ngày. Chính phủ nước này cũng kỳ vọng sẽ nâng sản lượng dầu lên 350.000 thùng/ngày vào năm 2025.
Ngành công nghiệp dầu khí đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Brunei, chiếm khoảng 90% doanh thu xuất khẩu và là nguồn thu chính cho ngân sách quốc gia.
Được biết, Brunei luôn chú trọng đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp này và hợp tác với nhiều công ty năng lượng quốc tế để khai thác và phát triển các mỏ dầu khí.
Nhờ vào nguồn tài nguyên dồi dào đó, Brunei đã xây dựng được một hệ thống phúc lợi xã hội tốt. Quốc gia này không đánh thuế thu nhập cá nhân, và người dân được hưởng nhiều dịch vụ công miễn phí, bao gồm giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Nhà nước Brunei cũng cung cấp nhà ở xã hội cho người dân không có đất hay nhà ở. Đến nay 30.000 ngôi nhà đã được xây dựng theo Chương trình Nhà ở Quốc gia (RPN) và Chương trình nhà ở cho công dân bản địa không sở hữu đất. Điều này giúp người dân Brunei có chất lượng cuộc sống tốt.
Bên cạnh đó, với sự phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ, Brunei cũng đối mặt với những thách thức trong việc đa dạng hóa nền kinh tế. Chính phủ nước này được cho là đang nỗ lực phát triển các ngành kinh tế khác như du lịch, nông nghiệp, và công nghiệp chế biến để giảm bớt sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.