Quốc gia châu Á nắm giữ kho Bitcoin khổng lồ, giá trị tương đương 36% GDP
(Thị trường tài chính) - Thị trường tiền điện tử đang chứng kiến một làn sóng bùng nổ từ Mỹ lan rộng khắp châu Á, với những dấu ấn đáng chú ý như giá trị Bitcoin mà Bhutan nắm giữ vượt mốc 1 tỷ USD và khối lượng giao dịch tài sản kỹ thuật số tại Hàn Quốc tăng vọt.
Kể từ chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5/11, vốn hóa của toàn thị trường tiền điện tử đã tăng vọt hơn 1.000 tỷ USD, được thúc đẩy bởi cam kết biến Mỹ thành trung tâm toàn cầu cho ngành công nghiệp tiền điện tử.
Châu Á đang chịu tác động mạnh mẽ từ làn sóng lạc quan này, khi một số quốc gia trong khu vực đang đi đầu trong việc áp dụng tiền điện tử, dù là để đầu tư, phòng ngừa sự yếu đi của đồng nội tệ hay tận hưởng phương thức chuyển tiền nhanh chóng và tiết kiệm hơn.
Tại Bhutan, công ty đầu tư nhà nước Druk Holding & Investments đã tích lũy được lượng Bitcoin đáng kể thông qua hoạt động khai thác, được hỗ trợ bởi nguồn thủy điện dồi dào của quốc gia. Giá trị kho Bitcoin của nước này đã tăng thêm 200 triệu USD lên 1,1 tỷ USD sau cuộc bầu cử, tương đương 36% GDP quốc gia.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, sàn giao dịch lớn nhất là Upbit đã chứng kiến thị phần toàn cầu tăng lên 4,3%, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của nhà đầu tư địa phương với các token rủi ro cao. Điều này cho thấy làn sóng tăng giá do ông Trump thúc đẩy đã khiến nhiều người Hàn Quốc gia nhập thị trường.
Ở các khu vực khác của Châu Á - Thái Bình Dương, Singapore và Hồng Kông đang nỗ lực trở thành trung tâm tài sản kỹ thuật số khu vực, trong khi Trung Quốc vẫn duy trì lệnh cấm nhưng xuất hiện nhu cầu đáng kể trên thị trường xám.
“Các sàn giao dịch châu Á sẽ nhận được lợi ích lớn từ Trump và các chính sách thân thiện với tiền điện tử của ông”, David Rogers, Giám đốc điều hành khu vực của nhà tạo lập thị trường B2C2, cho biết.
Bitcoin chạm đỉnh mọi thời đại
Bitcoin đã tăng liên tiếp phá đỉnh trong những ngày gần đây, khi nhà đầu tư kỳ vọng vào môi trường quy định thân thiện hơn dưới thời ông Trump. Ông cũng cam kết thành lập một quỹ dự trữ Bitcoin chiến lược của Mỹ, điều mà một số người coi là một nhiệm vụ đầy thử thách.
Roger Li, đồng sáng lập One Satoshi, chuỗi cửa hàng tại Hồng Kông cung cấp dịch vụ trao đổi tiền mặt và tiền điện tử, cho biết khối lượng giao dịch đã tăng mạnh trong hai tuần trước cuộc bầu cử Mỹ và đến giờ vẫn chưa hề có dấu hiệu hạ nhiệt.
“Vì sự tăng trưởng mà chúng tôi đang chứng kiến và vì tin tưởng làn sóng này sẽ tiếp tục, chúng tôi đang mở rộng kinh doanh, phát triển các cửa hàng lớn hơn để phục vụ nhiều khách hàng hơn", Li cho biết.
Token và cổ phiếu tăng vọt
Làn sóng tăng giá cũng tác động tích cực đến nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Token Cronos của Crypto.com (Singapore) đã tăng gấp đôi giá trị, trong khi cổ phiếu Genius Group Ltd tăng 138% nhờ chiến lược bitcoin-first.
Tại Nhật Bản, Metaplanet ghi nhận mức tăng 60% trong tháng, và Coincheck thuộc Monex Group đang chuẩn bị niêm yết tại Mỹ. Tuần trước, nhóm Coincheck thuộc Monex Group có trụ sở tại Tokyo đã thông báo kế hoạch niêm yết tại Mỹ vào tháng 12 thông qua việc sáp nhập với một công ty mua lại mục đích đặc biệt (SPAC).
Mặc dù ngành công nghiệp tiền điện tử từng chịu cú sốc lớn vào năm 2022 với sự sụp đổ của các nền tảng như FTX, hiện nay, sự ủng hộ của Trump đã tạo ra làn sóng lạc quan mới. Các chuyên gia dự đoán xu hướng này có thể dẫn đến dòng vốn lớn chảy vào các altcoin, trong khi đà tăng của bitcoin có thể chậm lại.
“Nếu đợt tăng giá hiện nay đi theo kịch bản của năm 2021, chúng ta có thể thấy một lượng giao dịch lớn chảy vào các altcoin (gồm tất cả các loại tiền điện tử và token không phải là Bitcoin), trong khi giá bitcoin sẽ chậm lại,” Giám đốc điều hành của BTC Markets Pty, Caroline Bowler, cho biết.
Theo TEM