Quốc gia châu Á bùng nổ, được coi là 'hầm trú ẩn' nếu kinh tế Mỹ suy thoái
Thị trường chứng khoán Ấn Độ đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư toàn cầu với triển vọng tăng trưởng ấn tượng, bất chấp những biến động mạnh gần đây.
Thị trường chứng khoán Ấn Độ vừa trải qua một tuần đầy biến động. Chỉ số Nifty 50 giảm 2,4%, phản ánh xu hướng chung của thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn duy trì trên mốc 24.000 điểm, sau khi lần đầu tiên chạm ngưỡng 25.000 điểm vào tuần trước. Tính từ đầu năm, Nifty 50 đã tăng 11%, vượt trội so với mức tăng 9% của S&P 500 của Mỹ.
Đáng chú ý, Mumbai - trung tâm tài chính của Ấn Độ - hiện đã vượt qua Bắc Kinh để trở thành trung tâm tỷ phú hàng đầu châu Á và đứng thứ ba thế giới, chỉ sau New York và London.
Tuy nhiên, quyết định tăng lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Nhật Bản (BOJ), cùng với báo cáo việc làm đáng thất vọng của Mỹ, đã gây áp lực lớn lên các thị trường chứng khoán.
Đầu tuần này, thị trường chứng khoán toàn cầu đã chứng kiến đợt giảm mạnh nhất trong hơn hai năm qua. Trong khi Nikkei của Nhật Bản giảm hơn 12% và S&P 500 giảm 3%, Nifty 50 của Ấn Độ chỉ giảm 2,7%.
Trên thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu Chính phủ Ấn Độ kỳ hạn 10 năm giảm xuống 6,87%, phù hợp với diễn biến chung của thị trường trái phiếu toàn cầu.
Các chuyên gia phân tích tại CNBC dự báo Nifty 50 có tiềm năng tăng điểm trong thời gian tới, đặc biệt khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Triển vọng kinh tế Ấn Độ cũng đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế. Theo báo cáo của công ty tư vấn Knight Frank, Ấn Độ được dự đoán sẽ dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng số lượng người siêu giàu trong những năm tới.
Điều gì xảy ra với Ấn Độ nếu kinh tế Mỹ suy thoái?
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phân hóa - với châu Âu gặp khó khăn, Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nhưng Ấn Độ lại bùng nổ - các chuyên gia như Venugopal Garre, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Ấn Độ tại Bernstein, cho rằng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào năm 2025 là không cao.
Tuy nhiên, nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, đồng rupee Ấn Độ có thể mất giá, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài. Đồng rupee đã chạm mức thấp kỷ lục trong tuần này so với đồng USD.
Tuy nhiên, chênh lệch lãi suất do quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 6,5% của Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ, cùng với lạm phát tiếp tục giảm nhẹ và tăng trưởng GDP mạnh mẽ, có thể giúp hạn chế mức độ suy yếu của đồng rupee.
Một yếu tố tích cực khác là Ấn Độ, một nước nhập khẩu năng lượng ròng, có thể hưởng lợi từ giá dầu giảm trong trường hợp kinh tế Mỹ suy thoái. Điều này có thể góp phần hỗ trợ đồng rupee.
Nền kinh tế Ấn Độ có đặc điểm riêng biệt so với các nước châu Á khác. Thay vì phụ thuộc vào xuất khẩu như Trung Quốc và Nhật Bản, Ấn Độ chủ yếu được thúc đẩy bởi tiêu dùng nội địa. Số liệu cho thấy Mỹ không phải là thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa sản xuất tại Ấn Độ. Đặc biệt, lĩnh vực dịch vụ như CNTT và gia công quy trình kinh doanh, chiếm tới 75% kim ngạch xuất khẩu, được đánh giá là khó bị ảnh hưởng đột ngột về tính cạnh tranh.
Ông Garre từ Bernstein nhận định: "Nền tảng kinh tế Ấn Độ vẫn vững chắc, ngay cả khi Mỹ rơi vào suy thoái. Vì vậy, những biến động ngắn hạn khó có thể tạo ra hậu quả lâu dài, và chúng tôi đánh giá rủi ro từ suy thoái kinh tế Mỹ - nếu xảy ra - là hạn chế."
Trên mặt trận chính sách, sau cuộc bầu cử tổng thể, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đã có những động thái nhằm củng cố nền kinh tế. Giới đầu tư hoan nghênh dự báo thâm hụt ngân sách thấp hơn và việc tự kiềm chế trong các cam kết chi tiêu mới. Những yếu tố này có thể hỗ trợ đà tăng của thị trường chứng khoán.
Ông Ridham Desai, Chiến lược gia tại Morgan Stanley, nhận định: "Ấn Độ đang hướng tới một cấu trúc tài chính thuận lợi cho đòn bẩy doanh nghiệp, đầu tư tư nhân và tỷ lệ lợi nhuận trên GDP. Điều này sẽ thúc đẩy giá cổ phiếu, cùng với sự gia tăng phân bổ vốn vào cổ phiếu của các hộ gia đình, dòng vốn quốc tế đổ mạnh vào thị trường Ấn Độ, và mức định giá mới của vốn cổ phần".
Tuy nhiên, không phải mọi chuyên gia đều đồng thuận rằng Ấn Độ có thể là nơi trú ẩn an toàn khi Mỹ suy thoái. Ông John Ewart, quản lý danh mục đầu tư của quỹ Global Emerging Markets trị giá 600 triệu USD tại Aubrey Capital, chia sẻ với CNBC: "Ấn Độ không hoàn toàn tách biệt, nhưng tôi cho rằng họ đang ở vị thế tốt hơn nhiều để vượt qua những biến động."
Tuy nhiên, theo ông Garre từ Bernstein, rủi ro chính đối với cổ phiếu Ấn Độ lại đến từ nội tại. Mức định giá cao ngất ngưởng trong bối cảnh hiện tại là mối lo ngại lớn cho các nhà đầu tư. Cổ phiếu Ấn Độ liên tục lập đỉnh mới, bất chấp việc các nhà phân tích hạ dự báo lợi nhuận 1% đối với gần một nửa trong số 200 công ty lớn nhất nước này.
Ông Garre cũng lưu ý rằng, dù đã trải qua đợt bán tháo mạnh kéo dài hai ngày, cổ phiếu Ấn Độ vẫn duy trì "mức định giá cao mà không có sự hỗ trợ từ lợi nhuận doanh nghiệp".
Theo CNBC