Nhìn lại tháng đầu tiên của Trump 2.0: Ông Trump khuấy động cả thế giới
(Thị trường tài chính) - Một tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã để lại những dấu ấn đặc biệt, với hàng loạt thay đổi mạnh mẽ cả trong và ngoài nước Mỹ.
Ngày 20/1/2025, ông Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Một tháng đầu tiên của nhiệm kỳ thứ hai đã để lại những dấu ấn đặc biệt, với hàng loạt thay đổi mạnh mẽ cả trong và ngoài nước Mỹ.
Tầm ảnh hưởng sâu rộng của các chính sách mới từ Tổng thống Trump hứa hẹn những thay đổi còn mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Làn sóng sắc lệnh hành pháp
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Trump đã ký tổng cộng 26 sắc lệnh hành pháp - một con số ấn tượng so với nhiệm kỳ đầu khi ông chỉ ban hành 33 sắc lệnh trong 100 ngày đầu tiên. Phần lớn các sắc lệnh tập trung vào vấn đề biên giới và nhập cư, bao gồm việc ban bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới phía Nam, điều động quân đội đến biên giới và đẩy mạnh trục xuất người nhập cư trái phép.

Đáng chú ý nhất là sắc lệnh mới nhất được ban hành ngày 19/2, cấm người nhập cư bất hợp pháp hưởng các phúc lợi từ ngân sách liên bang. Ngoài ra, chính quyền Trump cũng đã rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Thỏa thuận Paris về khí hậu, và chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh.
Bộ Giáo dục Mỹ đã trải qua những thay đổi đáng kể, với việc hủy bỏ nhiều chương trình về đa dạng, công bằng và hòa nhập (DEI). Chính sách mới nhấn mạnh vào "quyền lựa chọn của phụ huynh" và tăng cường quyền tự chủ cho các bang trong lĩnh vực giáo dục.
Về lĩnh vực quốc phòng, Lầu Năm Góc phải đối mặt với yêu cầu cắt giảm ngân sách khoảng 8% trong 5 năm tới. Quyết định này nhằm giảm chi tiêu liên bang và tái phân bổ nguồn lực theo chính sách "Nước Mỹ trên hết", tuy nhiên cũng làm dấy lên lo ngại về khả năng duy trì hiệu quả tác chiến của quân đội Mỹ.
Tỷ phủ Elon Musk và Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE)
Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã thành lập Ban Hiệu suất chính phủ (DOGE) với mục tiêu cải tổ bộ máy liên bang. Ban đầu, tỷ phú Elon Musk và chính trị gia Vivek Ramaswamy được chỉ định đồng lãnh đạo tổ chức này. Tuy nhiên, sau khi ông Ramaswamy rút lui, Nhà Trắng đã làm rõ vai trò của ông Musk chỉ là cố vấn cấp cao cho Tổng thống.

Trong ba tuần đầu hoạt động, DOGE tuyên bố đã cắt giảm được hơn 1 tỷ USD chi tiêu công và sau đó báo cáo con số tiết kiệm lên tới 55 tỷ USD. Tổ chức này cũng đề xuất kế hoạch tái cơ cấu quy mô lớn, yêu cầu các cơ quan liên bang cắt giảm 25% nhân sự và chỉ được tuyển một nhân viên mới cho bốn người nghỉ việc.
Động thái gây tranh cãi nhất của DOGE là việc "tê liệt hóa" Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Hàng nghìn nhân viên bị đưa vào chế độ nghỉ phép hành chính, trong khi kế hoạch cắt giảm nhân sự từ 10.000 xuống vài trăm người đã vấp phải làn sóng phản đối từ các tổ chức nhân đạo quốc tế.
Vấn đề quyền truy cập dữ liệu nhạy cảm của DOGE cũng gây nhiều lo ngại. Sau khi tổ chức này yêu cầu quyền truy cập vào hệ thống dữ liệu của Sở Thuế vụ (IRS), một thẩm phán liên bang đã ban hành lệnh cấm tạm thời.
Phản ứng lại, ông Musk đã công khai kêu gọi luận tội thẩm phán và tuyên bố có kế hoạch kiểm toán Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Thuế quan khơi mào cuộc chiến thương mại
Trong những ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã ban hành loạt sắc lệnh về thuế quan, tác động mạnh đến thương mại quốc tế. Ngày 11/2/2025, ông ký sắc lệnh áp thuế 25% đối với toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, có hiệu lực từ 4/3/2025, không có ngoại lệ cho bất kỳ quốc gia nào.
Tiếp đó, ngày 13/2, Tổng thống Trump ký thêm sắc lệnh về thuế quan "có đi có lại", nhằm tăng thuế nhập khẩu lên mức tương đương với mức các nước đang áp dụng cho hàng hóa Mỹ. Biện pháp này dự kiến triển khai sau khi hoàn tất rà soát điều kiện thương mại vào 1/4/2025.

Trước tình hình này, các đối tác thương mại lớn của Mỹ đã phản ứng mạnh mẽ. Canada và Mexico - hai thị trường xuất khẩu hàng đầu của Mỹ - đã đáp trả bằng việc áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ sau khi bị áp thuế 25% từ ngày 4/2/2025. Trung Quốc, dù không bị ảnh hưởng trực tiếp do xuất khẩu ô tô sang Mỹ hạn chế, cũng tuyên bố sẽ có biện pháp đối phó để bảo vệ quyền lợi.
Việt Nam, hiện nằm trong trong danh sách các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, cũng rơi vào tầm ngắm của các biện pháp thuế quan mới.
Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã phản ứng quyết liệt trước các sắc lệnh thuế quan mới của Tổng thống Trump. Ủy ban châu Âu hôm 15/2/2025 tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp trả đũa tương xứng nếu các sản phẩm của EU bị áp thuế 25%.
Theo số liệu từ Ủy ban Thương mại EU, các biện pháp thuế quan mới của Mỹ có thể ảnh hưởng tới khoảng 6,4 tỷ euro hàng hóa xuất khẩu từ EU sang Mỹ hàng năm. Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu và là nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu vào thị trường Mỹ - dự kiến sẽ chịu tác động nặng nề nhất.
Các chuyên gia cảnh báo, những động thái bảo hộ mậu dịch này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại rộng lớn hơn, gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu vốn đang phục hồi.
Chính sách đối ngoại gây tranh cãi
Trong khuôn khổ chính sách đối ngoại, mục tiêu ưu tiên của Tổng thống Donald Trump là hiện thực hóa cam kết chấm dứt xung đột Nga – Ukraine. Vào ngày 18/2, đàm phán cấp cao giữa Mỹ và Nga tại thủ đô Riyadh (Saudi Arabia) đã kết thúc thành công, mở ra triển vọng cho một thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc xung đột này.

Trước đó, vào ngày 12/2, ông Trump đã khiến dư luận bất ngờ khi tiết lộ trên mạng xã hội Truth Social rằng ông vừa có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó cả hai nhất trí “muốn ngăn chặn hàng triệu cái chết xảy ra trong cuộc chiến Nga – Ukraine”.
Mặt khác, mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang trở nên căng thẳng. Theo thông tin được đưa ra, vào ngày 19/2/2025, ông Trump đã công khai gọi ông Zelensky là“độc tài không tổ chức bầu cử” trên mạng xã hội X, kêu gọi người Ukraine nhanh chóng đạt được hòa bình với Nga nhằm tránh mất đất nước.
Trong bối cảnh đó, các quan chức Mỹ cũng đề xuất Ukraine chấp nhận một thỏa thuận trao đổi khoáng sản nhằm bù đắp viện trợ quân sự từ phía Mỹ. Tuy nhiên, Ukraine ban đầu từ chối yêu cầu này với lý do viện trợ chưa đạt mức 500 tỷ USD như dự kiến.

Về tình hình Trung Đông, ông Trump đã nhiều lần bày tỏ quan điểm về việc kiểm soát Dải Gaza trong dài hạn. Theo Reuters đưa tin ngày 11/2, ông tuyên bố: "Chúng ta sẽ có Gaza. Không cần phải mua, không có gì để mua cả. Chúng tôi sẽ nắm giữ và trân trọng nó". Đề xuất này được đưa ra sau khi ông đề cập đến kế hoạch di dời toàn bộ người Palestine khỏi khu vực vào cuối tháng 1.
Đối với các quốc gia láng giềng của Mỹ, ông Trump cũng đưa ra những đề xuất gây tranh cãi. Ông đề nghị đổi tên "Vịnh Mexico" thành "Vịnh Mỹ", một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng ngoại giao với Mexico, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang có bất đồng về thuế quan và chính sách nhập cư.
Về phía Canada, ông Trump công khai gọi Tổng thống nước này là “Thống đốc bang”, và bày tỏ mong muốn sáp nhập quốc gia này thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ, cho rằng đây sẽ là "điều tuyệt vời nhất" cho Canada khi quốc gia này đang phải chịu thuế quá cao.
Tham khảo Yahoo Finance, New York Times