Nhật Bản tiếp tục cảnh báo về đồng yên, nghi ngờ bạo chi 6 nghìn tỷ yên trong 2 ngày để cứu tỷ giá
(Thị trường tài chính) - Giữa bối cảnh đồng yên đang “lao dốc”, Chính phủ “xứ sở mặt trời mọc” sẵn sàng tung ra những biện pháp tình thế đầy tốn kém và không kém phần rủi ro.
Nhật Bản sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp có thể để ứng phó với những biến động tiền tệ quá mức, Chánh Văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi cho biết vào thứ Ba (16/7). Đồng thời ông cho biết nước này sẽ giữ cho thị trường luôn cảnh giác trước khả năng can thiệp trở lại để hỗ trợ đồng yên.
Dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) công bố hôm 16/7 cho thấy Tokyo có thể đã chi 2,14 nghìn tỷ yên (13,5 tỷ USD) để can thiệp vào thứ Sáu tuần trước (12/7). Kết hợp với số tiền ước tính đã chi vào thứ Năm (11/7), Nhật Bản bị nghi ngờ đã mua gần 6 nghìn tỷ yên trong tuần trước.
"Điều quan trọng là tỷ giá hối đoái phải ổn định và phản ánh các yếu tố cơ bản. Biến động quá mức là điều không mong muốn", ông Hayashi phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ trước khi công bố dữ liệu của BoJ .
"Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến tỷ giá hối đoái, sẵn sàng thực hiện mọi biện pháp có thể", vị quan chức này nói.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi từ chối bình luận khi được hỏi liệu Tokyo có can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng yên trong 2 ngày liên tiếp vào tuần trước hay không.
Gần đây, chính quyền Nhật Bản đã đưa ra thông lệ là không xác nhận liệu họ có can thiệp vào thị trường tiền tệ hay không.
Nhưng các nhà giao dịch nghi ngờ Tokyo đã can thiệp vào thị trường để nâng giá đồng yên vốn đang ở mức thấp nhất trong 38 năm, một lần vào thứ Năm tuần trước sau khi báo cáo lạm phát của Hoa Kỳ ổn hơn dự kiến đã gây ra sự tăng giá của đồng yên và một lần nữa vào thứ Sáu.
Đồng yên tăng 3% so với USD lên mức 157,40 yên đổi 1 USD sau động thái can thiệp đáng ngờ vào thứ Năm (11/7).
Nhưng đồng tiền này đã mất phần lớn đà tăng và dừng ở mức 158,45 yên đổi 1 USD vào thứ Ba (16/7), không xa mốc 160 yên đổi 1 USD được coi là ngưỡng giới hạn can thiệp tiền tệ của chính quyền Nhật Bản.
Một số nhà phân tích nhận thấy điểm tương đồng giữa động thái can thiệp bị nghi ngờ vào tuần trước và động thái vào ngày 1/5, khi những bình luận ôn hòa từ Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell gây sức ép lên đồng USD.
Ông Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ tại Mizuho Securities, cho biết trong cả hai trường hợp, chính quyền Tokyo có thể đã can thiệp khi đồng USD đang ở thế yếu so với đồng yên.
"Lần này, sự can thiệp diễn ra khi tỷ giá đồng USD/yên không nhất thiết phải tăng giá mạnh", ông Yamamoto nói. "Điều này cho thấy các nhà chức trách lo lắng nhiều hơn về tỷ giá - ở mức dưới 160 yên (đổi 1 USD) - thay vì tốc độ giảm giá của đồng yên".
Trong khi đồng yên yếu thúc đẩy xuất khẩu, nó lại trở thành mối lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản vì đồng tiền của “xứ sở Phù Tang” gây tổn hại đến tiêu dùng bằng cách làm tăng chi phí nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm.
Thị trường đang hướng sự chú ý đến cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản kết thúc vào ngày 31/7, khi một số nhà giao dịch đặt cược rằng BoJ có thể tăng lãi suất từ mức gần bằng 0 hiện tại để giúp làm chậm đà giảm của đồng yên.
Nguồn: Reuters/CNA