HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Nhân viên sát hại sếp vì chậm lương: Khủng hoảng kinh tế ở Pakistan tồi tệ đến mức nào?

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Pakistan đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đa chiều.

Mới đây, một vụ án mạng xảy ra tại thành phố Karachi đã khiến đất nước Paksitan rúng động. Cảnh sát thành phố Karachi hôm thứ Ba (9/7) bắt giữ một kỹ sư CNTT với cáo buộc sát hại giám đốc điều hành công ty do 3 tháng nay đều bị trả lương chậm.

Nhân viên sát hại sếp vì chậm lương: Khủng hoảng kinh tế ở Pakistan tồi tệ đến mức nào? - ảnh 1
Cảnh sát thành phố Karachi đã ngay lập tức có mặt tại hiện trưởng để điều tra và bắt giữ nghi phạm

Vào tối thứ Hai, Shoaib Khan, một kỹ sư phần mềm vừa nghỉ việc, đã đến văn phòng cũ của mình trên đường Shahrah-e-Faisal ở Karachi và đâm chết sếp cũ là Naveed Khan. Nguyên nhân được cho là do tranh cãi về 3 tháng lương chưa được thanh toán sau khi anh này bị ép thôi việc. Cảnh sát trưởng Tariq Mehmood của đồn Tipu Sultan xác nhận rằng đối tượng Shoaib đã bị bắt và thú nhận hành vi của mình.

Phóng viên báo Arab News cũng được Mehmood cho biết thêm rằng vụ giết người này không phải hành động có chủ đích từ đầu do “bị cáo đã sử dụng một con dao có sẵn tại văn phòng và không mang theo bất kỳ vũ khí nào”. 

Imtiaz Khan, anh trai của nạn nhân và là quản lý hỗ trợ web tại công ty, đã chứng kiến sự việc. “Em trai tôi ra đi để lại người vợ góa và ba đứa con,” ông nói thêm. “Đứa con trai út của em ấy mới chào đời cách đây mười ngày. Vụ án mạng thương tâm không chỉ là một bi kịch cá nhân mà còn phản ánh tình trạng căng thẳng kinh tế đang ảnh hưởng đến nhiều gia đình Pakistan.

Pakistan đang trải qua một cuộc khủng hoảng kép kể từ năm 2022, với nền kinh tế suy yếu và tình hình chính trị bất ổn. Mặc dù lạm phát đã giảm từ mức đỉnh 38% vào tháng 5/2023 xuống còn khoảng 17% vào tháng 4/2024, hàng triệu người vẫn bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo khổ.

Để giải quyết khủng hoảng, Pakistan đang tham gia vào các cuộc đàm phán sơ bộ với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm đạt được một chương trình hỗ trợ mới. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến các biện pháp thắt lưng buộc bụng và tăng thuế, gây thêm khó khăn cho người dân trong ngắn hạn.

Chính phủ mới của Thủ tướng Shehbaz Sharif đang phải đối mặt với thách thức kép: vừa phải ổn định nền kinh tế, vừa phải xoa dịu sự bất mãn của công chúng. Việc triển khai các biện pháp kinh tế cần thiết nhưng khó khăn có thể làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội.

Theo Arab News