Nhà máy niken 3 tỷ USD đối mặt nguy cơ đóng cửa vì công ty mẹ ở Trung Quốc vỡ nợ
(Thị trường tài chính) - Trong bối cảnh giá niken toàn cầu lao dốc và nguồn cung quặng tại Indonesia khan hiếm, ngay cả những lò luyện có chi phí thấp cũng gặp khó khăn.
Một trong những nhà máy luyện niken lớn nhất tại Indonesia đang cắt giảm sản lượng và đứng trước nguy cơ ngừng hoạt động hoàn toàn, chỉ vài tháng sau khi công ty mẹ tại Trung Quốc sụp đổ.
PT Gunbuster Nickel Industry, công ty liên kết với tập đoàn thép không gỉ Jiangsu Delong Nickel Industry (hiện đã phá sản), đang trì hoãn thanh toán cho các nhà cung cấp năng lượng địa phương và không thể mua quặng niken.
Nếu tình trạng này tiếp diễn, nhà máy có thể sớm phải ngừng hoạt động hoàn toàn, các nguồn tin cho biết.
Gunbuster, với công suất sản xuất 1,8 triệu tấn gang nickel cao (NPI)/năm, đã đóng cửa hầu hết trong số hơn 20 dây chuyền sản xuất kể từ đầu năm nay.

Tổng thống Indonesia khi đó, ông Joko Widodo từng tham dự lễ khánh thành nhà máy luyện kim của Gunbuster vào năm 2021. Khi đó, công ty công bố kế hoạch đầu tư 3 tỷ USD vào cơ sở này.
Với quy mô khổng lồ, Gunbuster từng được xem là một trong số ít đối thủ cạnh tranh với Tsingshan Holding Group tại Indonesia. Trong khi đó, các lò luyện của Tsingshan chủ yếu tập trung trong những khu công nghiệp khép kín quy mô lớn.
Giá niken toàn cầu đã giảm gần một nửa kể từ cuối năm 2022 do sản lượng bùng nổ từ Indonesia buộc nhiều mỏ khai thác và nhà máy luyện kim ở nơi khác phải đóng cửa. Tuy nhiên, ngay cả các nhà máy luyện tại Indonesia - vốn có lợi thế về chi phí năng lượng và lao động thấp - cũng bắt đầu chịu áp lực.
Suốt gần một năm qua, nguồn cung quặng tại nước này trở nên khan hiếm do Chính phủ hạn chế cấp hạn ngạch khai thác. Điều này càng làm trầm trọng thêm khó khăn của Gunbuster, vốn đã lao đao sau cú sụp đổ của công ty mẹ Delong.
Tập đoàn Trung Quốc này - do gia đình Dai Guofang sở hữu - là một trong những nhà đầu tư sớm nhất vào ngành luyện niken tại Indonesia, nhưng đã buộc phải tái cơ cấu theo lệnh tòa án Trung Quốc vào năm ngoái.
Hoạt động kinh doanh của Delong chịu ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế tại Trung Quốc và sự cạnh tranh khốc liệt từ Tsingshan Holding Grou, tập đoàn sở hữu các cơ sở luyện niken quy mô lớn tại Indonesia.
Theo Financial Post