Mỹ 'giáng đòn' mới vào Trung Quốc, đưa hơn 50 công ty vào danh sách đen
(Thị trường tài chính) - Các công ty Mỹ bị cấm cung cấp sản phẩm cho những tổ chức này nếu không có giấy phép của chính phủ.
Hôm qua (25/3), Mỹ đã bổ sung hàng chục công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu trong động thái đầu tiên dưới thời chính quyền Donald Trump nhằm siết chặt hơn nữa khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán tiên tiến của Bắc Kinh.
Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã đưa 80 tổ chức vào "danh sách thực thể", trong đó hơn 50 tổ chức có trụ sở tại Trung Quốc. Các công ty Mỹ bị cấm cung cấp sản phẩm cho những tổ chức này nếu không có giấy phép của chính phủ.

Theo cơ quan này, các công ty bị đưa vào danh sách đen do bị cáo buộc hoạt động trái với lợi ích an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại của Mỹ. Động thái này là một phần trong nỗ lực nhằm hạn chế hơn nữa khả năng tiếp cận của Bắc Kinh đối với công nghệ điện toán exascale – loại công nghệ có thể xử lý khối lượng dữ liệu khổng lồ với tốc độ rất cao – cũng như các công nghệ lượng tử.
Hàng chục thực thể Trung Quốc bị nhắm đến do bị cáo buộc tham gia phát triển AI tiên tiến, siêu máy tính và chip AI hiệu suất cao phục vụ mục đích quân sự.
Bộ Thương mại Mỹ cũng cho biết hai công ty trong danh sách đã cung cấp sản phẩm cho các thực thể bị trừng phạt, bao gồm Huawei và công ty con sản xuất chip HiSilicon của họ.
Cụ thể, Mỹ đã đưa vào danh sách đen 27 doanh nghiệp Trung Quốc vì đã mua các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ để hỗ trợ hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, cùng với 7 công ty khác vì giúp phát triển công nghệ lượng tử của nước này.
Trong danh sách còn có sáu công ty con của tập đoàn điện toán đám mây Trung Quốc Inspur Group, vốn đã bị chính quyền Joe Biden đưa vào danh sách đen vào năm 2023.
Theo Alex Capri, giảng viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore và tác giả cuốn "Techno-Nationalism: How it’s reshaping trade, geopolitics and society", động thái mới nhất này cho thấy Mỹ đang mở rộng phạm vi kiểm soát, nhắm vào cả các nước thứ ba, các điểm trung chuyển và các trung gian.
Ông Capri cho biết, các công ty Trung Quốc vẫn có thể tiếp cận công nghệ chiến lược lưỡng dụng của Mỹ thông qua một số bên trung gian, lợi dụng các kẽ hở trong hệ thống kiểm soát xuất khẩu.
"Giới chức Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động theo dõi và truy vết để ngăn chặn việc buôn lậu chip bán dẫn tiên tiến do Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD) sản xuất", ông nói thêm.
Việc mở rộng lệnh hạn chế xuất khẩu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng gia tăng, khi chính quyền Trump liên tục áp đặt thêm thuế quan đối với Trung Quốc.
Sự phát triển nhanh chóng của DeepSeek đã thúc đẩy việc áp dụng các mô hình AI mã nguồn mở chi phí thấp tại nước này, tạo áp lực cạnh tranh với các công ty Mỹ vốn đang cung cấp những mô hình AI độc quyền với chi phí cao hơn.
Chính quyền Biden đã ban hành một loạt kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với Trung Quốc, bao gồm từ chip bán dẫn đến siêu máy tính, theo chiến lược “small yard, high fence” (hàng rào nhỏ, nhưng bảo vệ chặt). Chính sách này nhằm giới hạn một số công nghệ có tiềm năng quân sự quan trọng, đồng thời vẫn duy trì trao đổi kinh tế bình thường trong các lĩnh vực khác.
Thứ trưởng Bộ Thương mại phụ trách Công nghiệp và An ninh Jeffrey I. Kessler nhấn mạnh, cơ quan này đang “gửi một thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ” rằng chính quyền Trump sẽ ngăn chặn công nghệ Mỹ bị lợi dụng để phát triển điện toán hiệu suất cao, tên lửa siêu thanh, huấn luyện máy bay quân sự và UAV (máy bay không người lái) có thể đe dọa an ninh quốc gia.
“Danh sách thực thể chỉ là một trong nhiều công cụ mạnh mẽ giúp chúng tôi xác định và loại bỏ các đối thủ nước ngoài đang tìm cách khai thác công nghệ Mỹ vì mục đích xấu”, ông nói thêm.
Theo CNBC