HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Mỹ đóng cửa USAID, Trung Quốc 'ngư ông đắc lợi'

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Quyết định đóng băng ngân sách USAID của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tạo ra khoảng trống địa chính trị chưa từng có, mở đường cho ảnh hưởng của Trung Quốc tại các nước đang phát triển.

Theo giới phân tích, khi USAID (Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ) bị đóng băng hoạt động, Bắc Kinh đang nắm trong tay cơ hội vàng để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Trong 12 năm qua, BRI - chương trình đối ngoại chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình - đã âm thầm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu thông qua các khoản vay ưu đãi cho cơ sở hạ tầng, từ đường cao tốc đến cảng biển và năng lượng. Nhiều quốc gia thụ hưởng vốn từ BRI cũng đang là đối tác của USAID.

"BRI không đơn thuần là viện trợ. Đó là cơ sở hạ tầng, là năng lượng, là nước sạch," GS. Sharif Naubakhar từ Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nhận định.

Mỹ đóng cửa USAID, Trung Quốc 'ngư ông đắc lợi' - ảnh 1
Năm 2021, 135 triệu USD từ Quỹ ứng phó khẩn cấp của Liên hợp quốc (CERF) được trích để tài trợ lương thực cứu trợ dành cho người tị nạn Ethiopia tại trại tị nạn Um Raquba (ở Gedaref, Đông Sudan)

Theo GS. Christopher Barrett (Đại học Cornell), Trung Quốc sẽ là "người thắng cuộc" khi USAID rút lui. Động thái này giúp Bắc Kinh dễ dàng tiếp cận nguồn lực và xây dựng các liên minh không có lợi cho Mỹ.

Bangladesh - quốc gia đang gặp khó khăn kinh tế - được Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ dự báo sẽ là một trong những nước đầu tiên tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung Quốc sau khi USAID dừng hoạt động.

"Nếu Mỹ rút lui, Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng cường viện trợ và cho vay đối với Bangladesh - quốc gia có tiềm năng trở thành đối tác chiến lược của Bắc Kinh," báo cáo của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại nhận định. Hiện Bangladesh đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ, tăng trưởng chậm và mất giá tiền tệ. Trung Quốc đã triển khai nhiều dự án BRI tại quốc gia Nam Á này và hỗ trợ chính phủ lâm thời.

Quyết định của Tổng thống Trump đã khiến hàng tỷ USD viện trợ bị đóng băng. Trong khi đó, BRI đang được hầu hết các nước đang phát triển đón nhận tích cực, ngoại trừ Ấn Độ, theo nhận định của Alicia Garcia-Herrero, chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu Bruegel (Brussels).

Theo số liệu chính thức, đến năm 2023, khoảng 150 quốc gia đã tham gia sáng kiến này. Đặc biệt, thương mại giữa Trung Quốc và các nước BRI lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 50% tổng kim ngạch toàn cầu trong năm qua, với mức tăng trưởng xuất nhập khẩu đạt 6,4%.

"Ảnh hưởng của Mỹ sẽ suy giảm và Trung Quốc sẽ là một trong những nước lấp đầy khoảng trống này," Jayant Menon, chuyên gia cao cấp tại Viện ISEAS-Yusof Ishak (Singapore) nhận định.

Tuy nhiên, BRI không phải là câu trả lời hoàn hảo. Trong hai năm qua, Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược tiếp cận với phương châm "quý hồ tinh, bất quý hồ đa" - tức chú trọng chất lượng hơn số lượng. Điều này nhằm tránh gây nợ nần cho các nước tiếp nhận, hạn chế tác động môi trường và giảm thiểu tái định cư.

Philippines là ví dụ điển hình về thách thức BRI phải đối mặt. "Các dự án giao thông do Trung Quốc tài trợ đã bị đình trệ. Chính trị gia ủng hộ Trung Quốc có nguy cơ mất phiếu bầu do căng thẳng ở Biển Đông," GS. Maria Ela Atienza từ Đại học Philippines Diliman cho biết. Trước đây, USAID đã đầu tư gần 4,9 tỷ USD vào quốc gia này.

Theo GS. Naubakhar, BRI khó có thể thay thế hoàn toàn USAID. Cơ quan này không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng mà còn hỗ trợ cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường.

Đáng chú ý, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Tây Âu có thể sẽ tăng cường viện trợ cho các khu vực nghèo nếu USAID ngừng hoạt động hoàn toàn. "Không chỉ có Trung Quốc muốn lấp đầy khoảng trống ảnh hưởng mà Mỹ để lại" chuyên gia Menon kết luận.

Theo South China Morning Post (SCMP)