HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Một loạt chuyên gia cảnh báo chính sách kinh tế của ông Trump sẽ gây ra 'hậu quả thảm khốc' với thị trường

Diệp Thảo

(Thị trường tài chính) -Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics nhận định rằng những đề xuất của ông Trump sẽ "không bao giờ có kết quả tốt đẹp".

Kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 sẽ tác động đáng kể đến thị trường và nền kinh tế, khi cả hai ứng cử viên đều tập trung vào việc chống lạm phát để giành lợi thế với cử tri.

Ông Donald Trump đã hứa sẽ “làm cho nước Mỹ có giá phải chăng trở lại” trong các bài phát biểu vận động tranh cử tuần trước. Ông cũng đổ lỗi cho bà Kamala Harris và chính quyền Tổng thống Biden về tình trạng lạm phát dai dẳng, đồng thời hứa hẹn giá cả thấp hơn và kéo dài thời gian giảm thuế.

Trong khi đó, mới đây Phó Tổng thống Harris đã phác thảo chương trình nghị sự kinh tế của bà tại Bắc Carolina, bao gồm lời cam kết “chống lại việc tăng giá”, tăng cường tín dụng thuế trẻ em và cung cấp hỗ trợ nhà ở cho người mua và người thuê nhà.

Nhận định về các đề xuất của ông Trump, chuyên gia kinh tế kỳ cựu Nouriel Roubini cho rằng đó là một sự kết hợp "cực kỳ nguy hiểm" cho cả nền kinh tế và thị trường. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến giá cả tăng cao.

Một loạt chuyên gia cảnh báo chính sách kinh tế của ông Trump sẽ gây ra 'hậu quả thảm khốc' với thị trường - ảnh 1
Ông Donald Trump đã hứa sẽ “làm cho nước Mỹ có giá phải chăng trở lại” trong các bài phát biểu vận động tranh cử tuần trước.

Goldman Sachs ước tính đề xuất thuế quan của ông Trump, bao gồm áp mức thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% đối với mọi mặt hàng khác, sẽ làm giá tiêu dùng tăng 1,9%. Tuy nhiên, ước tính đó có thể còn khá khiêm tốn, vì gần đây ông Trump đã gợi ý rằng thuế nhập khẩu có thể lên tới 20%.

Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody's Analytics nhận định rằng đây là một "ý tưởng tồi" và "không bao giờ có kết quả tốt đẹp".

"Nền tảng của một nền kinh tế thị trường hoạt động tốt là một Ngân hàng Trung ương độc lập, và bất cứ điều gì làm suy yếu sự độc lập đó đều là một ý tưởng thực sự tồi tệ", Zandi nói. "Điều này sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn và nền kinh tế yếu hơn".

Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế, đã so sánh tình hình hiện tại với những năm 1970 khi chính quyền Richard Nixon gây sức ép buộc Ngân hàng Trung ương nới lỏng chính sách.

Ông Krugman cho hay: “Lần cuối cùng chúng ta thực sự chứng kiến chính sách tiền tệ bị chính trị hóa là dưới thời cựu Tổng thống Richard Nixon, và kết quả thật thảm khốc. Đó là một đợt lạm phát bùng nổ vô cớ, góp phần tạo nên bối cảnh cho tất cả những sai lầm trong phần còn lại của những năm 1970”.

Cựu Tổng thống Mỹ và những người ủng hộ ông đang phản bác lại những lo ngại rằng chương trình nghị sự kinh tế của ông sẽ gây lạm phát nhiều hơn đối thủ. 

Trong một cuộc gọi với các phóng viên, cựu cố vấn cấp cao của ông Trump, Kevin Hassett, đã mô tả chương trình nghị sự kinh tế của bà Harris là “điều đáng tiếc”, lập luận rằng nó “lặp lại các chính sách của chính quyền Biden, vốn đã châm ngòi cho lạm phát”.

Cố vấn chính sách của ông Trump, Stephen Moore, nói với các phóng viên rằng lập luận cho rằng bà Harris sẽ là lựa chọn tốt hơn để xử lý tình trạng lạm phát là "điều vô lý".

Giữa các cuộc tranh luận về lạm phát, một vấn đề lớn khác đang đe dọa phố Wall đó là tình hình tài khóa ngày càng xấu đi, điều mà cả hai ứng cử viên vẫn chưa chú ý nhiều.

Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (CRFB) ước tính các chính sách được nêu trong chương trình nghị sự của bà Harris sẽ làm tăng thâm hụt thêm 1,7 nghìn tỷ USD trong vòng một thập kỷ và có thể tăng lên 2 nghìn tỷ USD nếu các chính sách nhà ở tạm thời được áp dụng lâu dài.

Vào tháng 5, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính việc gia hạn Đạo luật về Việc làm và Cắt giảm thuế sẽ làm thâm hụt tăng thêm 4,6 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới, cao hơn khoảng 1,1 nghìn tỷ USD so với các dự báo trước đó.

Theo Yahoo Finance