Láng giềng Việt Nam tung siêu tàu khoan sâu 11.000m dưới mực nước biển: Trang bị công nghệ cao đầu tiên trên thế giới, gồm 9 phòng thí nghiệm tối tân với diện tích 3.000m2
(Thị trường tài chính) - Là tàu nghiên cứu khoa học lớn nhất Trung Quốc, Meng Xiang dài 179,8m, rộng 32,8m, có trọng tải 42.600 tấn, và tầm hoạt động lên đến 15.000 hải lý.
Mới đây, tàu Meng Xiang – tàu khoan siêu sâu đầu tiên do Trung Quốc thiết kế và chế tạo nội địa – đã chính thức đi vào hoạt động tại thành phố Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc. Sự kiện này đánh dấu một bước tiến lớn trong nỗ lực khám phá các tầng sâu nhất của đại dương, nơi chưa từng có sự hiện diện của con người.
Là tàu nghiên cứu khoa học lớn nhất Trung Quốc, Meng Xiang dài 179,8m, rộng 32,8m, có trọng tải 42.600 tấn, và tầm hoạt động lên đến 15.000 hải lý. Tàu khoan siêu sâu "made in China" có khả năng đạt tới độ sâu 11.000m, tương đương chiều sâu của rãnh Mariana sâu nhất trên hành tinh. Với khả năng duy trì hoạt động liên tục 120 ngày, tàu có thể chở tới 180 người trong các nhiệm vụ dài hạn trên đại dương.
Tàu được trang bị hệ thống giàn nâng thủy lực đầu tiên trên thế giới, với sức nâng 907 tấn, hỗ trợ cả khai thác dầu khí lẫn lấy mẫu lõi. Tính năng này cho phép Meng Xiang vận hành ở bốn chế độ khoan và ba phương pháp lấy mẫu, phục vụ nhiều nhu cầu khác nhau như thăm dò tài nguyên biển sâu và nghiên cứu địa chất lòng đất.
Meng Xiang không chỉ là tàu khoan, mà còn là một trung tâm nghiên cứu di động với 9 phòng thí nghiệm hiện đại với diện tích hơn 3.000m2. Các phòng thí nghiệm này phục vụ nghiên cứu trong các lĩnh vực như địa chất, địa hóa học, vi sinh học, khoa học đại dương, và công nghệ khoan. Đặc biệt, tàu được trang bị hệ thống lưu trữ mẫu lõi tự động đầu tiên trên thế giới, giúp tối ưu hóa công tác nghiên cứu biển sâu.
Được thiết kế để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn trước siêu bão, tàu có thể hoạt động bình thường trong điều kiện biển động mạnh và thực hiện các nhiệm vụ toàn cầu ở bất kỳ vùng nước nào.
Theo ông Xu Zhenqiang, Giám đốc Khảo sát địa chất biển Quảng Châu, các mẫu lõi sâu mà tàu thu thập sẽ cung cấp bằng chứng trực tiếp cho các nhà khoa học toàn cầu trong việc nghiên cứu kiến tạo mảng, sự tiến hóa của vỏ đại dương, khí hậu biển cổ đại và sự phát triển của sự sống.
Trước đây, các hoạt động và nghiên cứu khoa học của con người thường bị giới hạn ở lớp vỏ Trái Đất, với độ dày trung bình khoảng 15km. Bên dưới lớp vỏ là lớp manti, một tầng quan trọng kết nối bề mặt với lõi Trái Đất. Việc đưa vào hoạt động tàu Meng Xiang đánh dấu bước tiến lớn trong việc tiến gần hoặc thậm chí vượt qua ranh giới giữa vỏ và manti, được gọi là ranh giới Mohorovicic (Moho).
Theo Xinhua News