Láng giềng Việt Nam tung siêu dự án ‘đập Tam Hiệp ngoài vũ trụ’, tiên phong khai thác nguồn năng lượng bất tận
(Thị trường tài chính) -Trung Quốc đang lên kế hoạch sử dụng tên lửa siêu nặng để xây dựng các trạm năng lượng mặt trời trên quỹ đạo không gian.
Một nhà khoa học cấp cao của Trung Quốc vừa tiết lộ kế hoạch đầy tham vọng sử dụng tên lửa siêu nặng để xây dựng các trạm năng lượng mặt trời trong không gian, gọi đây là “một dự án Tam Hiệp khác trên không gian”.
Các trạm năng lượng mặt trời trong không gian thu thập năng lượng từ Mặt Trời ở quỹ đạo Trái Đất và truyền năng lượng đó xuống mặt đất, cung cấp nguồn điện liên tục. Trên thế giới, dự án này được ví như “Dự án Manhattan” trong lĩnh vực năng lượng.
Tên lửa Long March-5. Ảnh: SCMP
Các trạm năng lượng mặt trời trên không gian có thể thu thập năng lượng mà không bị ảnh hưởng bởi các mùa hoặc chu kỳ ngày-đêm. Hơn nữa, mật độ năng lượng trong không gian cao hơn khoảng 10 lần so với trung bình trên bề mặt Trái Đất.
“Chúng tôi đang thực hiện dự án này. Nó có ý nghĩa tương đương với việc di chuyển đập Tam Hiệp lên quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao 36.000km ngoài Trái Đất. Đây là một dự án đáng kinh ngạc để kỳ vọng”, ông Long Lê Hạo, nhà khoa học tên lửa và là thành viên của Viện Kỹ thuật Trung Quốc (CAE), chia sẻ.
Đập Tam Hiệp, tọa lạc ở trung lưu sông Dương Tử – con sông dài nhất Trung Quốc – là công trình thủy điện lớn nhất thế giới, với công suất phát điện hàng năm khoảng 100 tỷ kWh.
“Hãy tưởng tượng việc lắp đặt một mảng pin mặt trời rộng 1km dọc theo quỹ đạo địa tĩnh dài 36.000 km”, ông Long nói thêm trong một bài giảng do Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS) tổ chức vào tháng 10 vừa qua.
Theo SCMP