Láng giềng Việt Nam tạo đột phá về công nghệ chip dù bị cấm vận, tiến gần hơn đến mục tiêu tự chủ
(Thị trường tài chính) - Thành tựu này sẽ giúp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào các công nghệ sản xuất chip tiên tiến của Mỹ, đặc biệt là máy EUV - vốn đang bị hạn chế xuất khẩu.
Thành tựu đột phá
Một phòng thí nghiệm bán dẫn của Trung Quốc tuyên bố họ đã đạt được "cột mốc" trong quá trình phát triển quang tử silicon, có thể giúp nước này vượt qua những hạn chế kỹ thuật hiện tại trong thiết kế chip và đạt được sự tự chủ giữa lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Cụ thể, cơ sở nghiên cứu quang tử học quốc gia JFS - có trụ sở tại Vũ Hán - đã thành công thắp sáng một nguồn laser được tích hợp với chip silicon. Được biết đây là lần đầu tiên thử nghiệm này được triển khai thành công tại Trung Quốc, theo bài đăng trên blog do phòng thí nghiệm công bố tuần trước.
Thành tựu này đánh dấu việc Trung Quốc đã có thể lấp đầy "một trong những khoảng trống còn thiếu" trong công nghệ quang điện tử của mình, SCMP đưa tin.
Quang tử silicon sử dụng tín hiệu quang học thay vì tín hiệu điện để truyền tải, SCMP cho biết. Do đó, mục tiêu của JFS là giải quyết những hạn chế mà công nghệ hiện tại đang đối mặt khi việc truyền tín hiệu điện giữa các chip đang sắp chạm đến giới hạn vật lý của nó.
Được thành lập vào năm 2021 với nguồn vốn Chính phủ lên đến 8,2 tỷ NDT (1,2 tỷ USD), JFS là một trong những cơ quan chủ chốt của Trung Quốc có nhiệm vụ theo đuổi các đột phá về công nghệ.
Những “ông lớn” trong ngành bán dẫn toàn cầu đã đầu tư nhìeu nguồn lực để phát triển quang tử silicon, được coi là tương lai của việc sản xuất những con chip tốt hơn cho xử lý dữ liệu và đồ họa, cũng như AI.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn gặp phải thách thức trong việc chuyển đổi những đột phá khoa học này thành sản phẩm thương mại.
TSMC, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới, là một trong những công ty đang nghiên cứu công nghệ này. Phó Chủ tịch Douglas Yu Chen-hua năm ngoái đã nói rằng một "hệ thống tích hợp quang tử silicon tốt" có thể giải quyết các vấn đề quan trọng về hiệu quả năng lượng và sức mạnh tính toán trong kỷ nguyên AI.
Trong khi đó, nhiều tập đoàn thiết kế chip khổng lồ của Mỹ như Nvidia và Intel, lẫn Huawei của Trung Quốc, cũng đang hướng tới những tiến bộ trong công nghệ quang tử silicon. Hiệp hội công nghiệp bán dẫn quốc tế SEMI ước tính thị trường chip quang tử silicon toàn cầu sẽ đạt 7,86 tỷ USD vào năm 2030 - tăng từ 1,26 tỷ USD vào năm 2022.
Cơ hội lớn
Đáng chú ý, quang tử silicon được cho là còn mang đến cơ hội lớn hơn cho Trung Quốc - nơi các lệnh kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với công nghệ sản xuất chip tiên tiến đã cản trở sự phát triển của ngành bán dẫn truyền thống.
Sui Jun, Chủ tịch công ty khởi nghiệp bán dẫn Sintone, phát biểu vào năm 2022: “Chip quang tử silicon có thể được sản xuất trong nước bằng cách sử dụng nguyên liệu thô và thiết bị tương đối hoàn thiện mà không cần phụ thuộc vào máy quang khắc cực tím (EUV) tiên tiến, không giống như chip điện tử”.
Máy EUV, thiết bị cần thiết để sản xuất chip tiên tiến, được coi là “yếu điểm lớn nhất” của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc khi nhiều công ty trong nước đang gặp khó khăn trong việc sản xuất hàng loạt công cụ này.
Công ty ASML của Hà Lan, nắm giữ vị thế gần như độc quyền về máy EUV, đã ngừng xuất khẩu thiết bị này sang Trung Quốc vào năm 2019.
Theo báo cáo do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ công bố hồi tháng 1, quang tử silicon có thể trở thành "mặt trận mới trong cuộc cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung".
Matthew Reynolds, cựu chuyên viên của CSIS, viết trong báo cáo: "Mặc dù các biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ dẫn đầu có thể kìm hãm năng lực sản xuất chip truyền thống của Trung Quốc, chúng cũng có thể vô tình khuyến khích quốc gia này đầu tư nguồn lực hơn cho các công nghệ mới nổi, những công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong thế hệ chip bán dẫn tiếp theo".
Theo SCMP