Láng giềng Việt Nam phát triển mẫu robot có biểu cảm sống động ‘như người thật’
Nhóm nghiên cứu đến từ Trung Quốc đã phát triển một thuật toán mới, cho phép robot tạo ra các biểu cảm khuôn mặt đa dạng và tinh tế hơn.
Giáo sư Liu Xiaofeng thuộc Đại học Hohai ở tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) cùng nhóm nghiên cứu của ông đang dành phần lớn thời gian tập trung vào việc phát triển robot hình người với các đặc điểm khuôn mặt giàu biểu cảm.
Nhắm tối ưu hóa công nghệ tương tác cảm xúc giữa người và robot, nhóm nghiên cứu đã phát triển một thuật toán mới giúp tạo biểu cảm khuôn mặt trên robot hình người một cách chân thực hơn.
Tại cuộc họp thường niên lần thứ 26 vào đầu tháng 7, Hiệp hội Khoa học và Công nghệ Trung Quốc liệt kê nghiên cứu về con người và robot kỹ thuật số có trí tuệ cảm xúc cao vào danh sách 10 chủ đề khoa học tiên tiến hàng đầu năm 2024.
Cùng ngày, nhóm của Liu đã công bố những phát hiện của họ trên tạp chí quốc tế IEEE Transactions on Robotics - một phương pháp tiếp cận mới để tổng hợp biểu cảm khuôn mặt tách biệt dựa trên cơ vân (action unit - AU).
Theo giáo sư, robot hình người thường gặp khó khăn trong việc truyền tải các biểu cảm khuôn mặt phức tạp và chân thực đặc trưng của con người, có thể gây cản trở cho việc tương tác với người dùng.
Ông nói thêm: "Để giải quyết thách thức này, chúng tôi đã giới thiệu một phương pháp toàn diện gồm 2 giai đoạn nhằm giúp robot của chúng tôi có khả năng tự động thể hiện các biểu cảm khuôn mặt phong phú và tự nhiên".
Liu giải thích rằng trong giai đoạn đầu, phương pháp của họ sẽ tạo ra hình ảnh biểu cảm khuôn mặt đa sắc thái của robot dựa trên cơ vân. Trong giai đoạn tiếp theo, họ sẽ tiến hành phát triển một robot cảm xúc với chuyển động khuôn mặt đa dạng và tự do ở nhiều mức độ, cho phép robot thể hiện các biểu cảm tinh vi đã được tổng hợp.
Tuy nhiên, Ni Rongrong, đồng tác giả của bài nghiên cứu, cho biết robot hình người phải đối mặt với những hạn chế cụ thể, chẳng hạn như kích thước và số lượng động cơ, khiến việc tạo ra nhiều biểu cảm theo thời gian thực trở nên khó khăn hơn.
Tác giả chia sẻ: "Ví dụ, robot hình người mà chúng tôi sử dụng trước đây chỉ có 9 động cơ siêu nhỏ bên dưới bề mặt khuôn mặt, ít hơn nhiều so với số lượng cơ trên khuôn mặt người".
Do đó, theo Ni, nhóm nghiên cứu đã chia 9 động cơ trên khuôn mặt của robot hình người thành 17 cơ vân để cho phép biểu cảm phong phú hơn và thay đổi biểu cảm mượt hơn thông qua các chuyển động phối hợp.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu có kế hoạch mở rộng số lượng cơ vân trên khuôn mặt và cung cấp cho robot khả năng tự thể hiện các biểu cảm phức tạp.
Ông Liu tin rằng, khi khả năng tương tác cảm xúc của robot hình người tiếp tục phát triển, những robot này - được trang bị cả chỉ số cảm xúc và trí tuệ cao - sẽ được sử dụng rộng rãi trong các viện dưỡng lão, trường mẫu giáo, trường giáo dục đặc biệt và nhiều cơ sở khác.
"Robot hình người sẽ không chỉ hỗ trợ hoặc thay thế con người trong việc hoàn thành một số nhiệm vụ mà còn mang lại nhiều giá trị cảm xúc hơn", ông bình luận.
Theo CGTN