HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Kinh tế Trung Quốc: đã 'kịch trần', khó vượt Mỹ để soán ngôi cường quốc số 1 thế giới?

Vũ Bấc

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ làm gì để đưa nền kinh tế dẫn đầu thế giới sau những cú sốc của dịch bệnh COVID-19, cuộc khủng hoảng bất động sản và tình trạng dân số già hóa?

Trong nhiều thập kỷ qua, viễn cảnh Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới đã thu hút sự chú ý của giới hoạch định chính sách và các nhà kinh tế trên toàn cầu. Một nền kinh tế được quản lý chặt chẽ với lực lượng lao động khổng lồ sẽ soán ngôi nền kinh tế năng động nhất toàn cầu là viễn cảnh khiến nhiều người nhắc đến.

Kinh tế Trung Quốc: đã 'kịch trần', khó vượt Mỹ để soán ngôi cường quốc số 1 thế giới? - ảnh 1
Trung Quốc đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu bằng cách thúc đẩy chi tiêu trong nước

Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, các dự đoán về thời điểm Trung Quốc vượt Mỹ ngày càng dồn dập. Trước cuộc suy thoái hiện nay, GDP Trung Quốc tăng trưởng hai con số trong nhiều năm liên tiếp và duy trì ở mức 6%-9% trong thập kỷ tiếp theo.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã tạo ra bước ngoặt lớn. Các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt khiến nền kinh tế Trung Quốc chững lại. Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng bất động sản - một lĩnh vực chiếm tới 1/3 GDP - đã bùng nổ sau khi các quy định siết chặt nợ của chiến dịch giảm nợ được thực hiện từ năm 2020 khiến cho nhiều trùm bất động sản tại đất nước này vỡ nợ và kéo theo niềm tin của người dân sụt giảm. Hậu quả là hàng triệu dự án nhà ở “xếp kho, ế hàng”, tiêu dùng ảm đạm và hàng triệu việc làm bị “thổi bay” bởi tình hình kinh tế trì trệ. 

Đồng thời, quan hệ thương mại căng thẳng với phương Tây cũng kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Mỹ chuyển từ chính sách thúc đẩy sang kiềm chế tham vọng kinh tế và quân sự của Bắc Kinh vào cuối thập niên 2010.

Những diễn biến không ai ngờ trước trong vài năm qua đặt ra câu hỏi lớn về tương lai cuộc đua kinh tế Trung - Mỹ và khả năng hiện thực hóa giấc mơ bá chủ của “Con rồng Châu Á”. 

Nỗi lo về “trần tăng trưởng”

Trong vòng một năm qua, một thuật ngữ mới đã xuất hiện trong giới quan sát kinh tế toàn cầu: "Đỉnh cao Trung Quốc". Khái niệm này phản ánh những lo ngại ngày càng tăng về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo lý thuyết của các nhà kinh tế, Trung Quốc hiện nay phải đối mặt với nhiều thách thức cơ cấu nghiêm trọng: gánh nặng nợ nần, năng suất suy giảm, tiêu dùng nội địa yếu và dân số già hóa là những vấn đề  chủ chốt của nền kinh tế. Thêm vào đó là căng thẳng địa chính trị xung quanh vấn đề đảo Đài Loan và sự xung đột, đối đầu trên chiến tuyến thương mại với phương Tây càng làm trầm trọng thêm tình hình.

Những yếu tố này khiến nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới như dự đoán trước đây.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với nhận định bi quan này. Giáo sư Wang Wen từ Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho rằng "Đỉnh cao Trung Quốc" chỉ là một "lời võ đoán". Ông dẫn chứng rằng tổng sản lượng kinh tế của Trung Quốc đã đạt gần 80% so với Mỹ vào năm 2021.

"Nếu Bắc Kinh duy trì được ổn định nội bộ và hòa bình đối ngoại, nền kinh tế Trung Quốc vẫn có thể vượt Mỹ trong tương lai gần," GS. Wang nhấn mạnh.

Ông cũng chỉ ra tiềm năng to lớn từ quá trình đô thị hóa đang diễn ra ở Trung Quốc. "Tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc vừa đạt 65%. Nếu tăng lên 80%, sẽ có thêm 200-300 triệu người chuyển đến các đô thị. Điều này sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho nền kinh tế," GS. Wang phân tích thêm.

Dù vậy, câu hỏi về tương lai kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều tranh cãi khi các nhà kinh tế khác đưa ra các góc nhìn thực tế hơn được cập nhật bởi số liệu trong những năm gần đây.

Tăng trưởng năng suất đã 'biến mất'

Theo GS. Loren Brandt, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Đại học Toronto, sự suy giảm năng suất đang là một trong những rào cản chính đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

"Trong giai đoạn đầu cải cách, từ năm 1978, năng suất đóng góp tới 70% vào tăng trưởng GDP của Trung Quốc. Tuy nhiên, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tăng trưởng năng suất đã giảm mạnh, hiện chỉ còn 1/4 so với trước đây", GS. Brandt nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với DW.

Kinh tế Trung Quốc: đã 'kịch trần', khó vượt Mỹ để soán ngôi cường quốc số 1 thế giới? - ảnh 2
Đối mặt với lệnh hạn chế xuất khẩu của Hoa Kỳ, Trung Quốc đang đẩy mạnh các ngành sản xuất công nghệ cao

Trong bối cảnh đó, giới quan sát kỳ vọng cuộc họp sắp tới của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ đưa ra các giải pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ tập trung vào một số lĩnh vực cụ thể như công nghệ cao, công nghiệp xanh, cải cách lương hưu và thúc đẩy khu vực tư nhân.

Bên cạnh vấn đề năng suất, Trung Quốc còn đối mặt với nhiều thách thức khác. Tổng nợ quốc gia đã vượt 300% GDP, trong đó phần lớn là vay nợ của chính quyền các địa phương. Nợ công ở mức cao nhưng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng suy giảm liên tục, giảm tới 28,2% trong 5 tháng đầu năm 2024.

GS. Brandt nhận định: "Trung Quốc đã đầu tư rất lớn vào nghiên cứu phát triển, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, những khoản đầu tư này chưa được tận dụng hiệu quả để duy trì tăng trưởng bền vững."

Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn đang nỗ lực thúc đẩy các ngành công nghệ mới như chiến lược tăng trưởng mũi nhọn. Xét trên phương diện thương mại, một số đối tác quan trọng từ châu Âu và châu Mỹ đang có xu hướng hạn chế nhập khẩu hoặc đánh thuế cao hàng hóa với lý do phòng vệ “dư thừa công suất”, gây thêm áp lực lên triển vọng kinh tế trong ngắn hạn của quốc gia tỷ dân.

Chuyển hướng chính sách 

Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang chuyển hướng sang mô hình kinh tế tập trung hóa hơn, với vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, Bắc Kinh đặt mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.

Tuy nhiên, phương cách quản lý nền kinh tế này bị các học giả phương Tây chỉ ra nhiều lỗ hổng. Một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất từ GS. Loren Brandt cho rằng nhiều chương trình xã hội chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, khiến người dân thận trọng trong chi tiêu. "Tài sản hộ gia đình đã giảm tới 30% do sự sụp đổ của thị trường bất động sản," ông nhấn mạnh.

Xu hướng tập trung hóa thị trường cũng là một điểm gây mất cân bằng nền kinh tế, "Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều từ mô hình phân quyền trước đây. Việc đảo ngược xu hướng này sẽ rất khó khăn", GS. Brandt nhận định. 

Doanh nghiệp Nhà nước hoặc có liên hệ với Nhà nước gần như “không thể phá sản” và nhận điều ưu tiên, trong khi đó, tỷ trọng khu vực tư nhân trong nền kinh tế Trung Quốc đã giảm từ gần 2/3 vào cuối những năm 2000 xuống còn 40% vào nửa đầu năm ngoái. Mặc dù có nhiều tập đoàn trong danh sách Fortune Global 500, các công ty Trung Quốc có tỷ suất lợi nhuận trung bình chỉ bằng 4,4% so với 11,3% của các công ty Mỹ.

Kinh tế Trung Quốc: đã 'kịch trần', khó vượt Mỹ để soán ngôi cường quốc số 1 thế giới? - ảnh 3
Thị trường bất động sản Trung Quốc cố gắng phục hồi sau cuộc suy thoái

Nhiều chuyên gia lo ngại rằng Trung Quốc có thể đang đi vào vết xe đổ của Nhật Bản. Sau Thế chiến II, Nhật Bản đã trải qua giai đoạn tăng trưởng thần kỳ, tạo ra bong bóng khổng lồ trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán.

Vào thời kỳ đỉnh cao, một số nhà kinh tế từng dự đoán Nhật Bản sẽ vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, năm 1992 đánh dấu sự sụp đổ của bong bóng tài sản, kéo theo sự trượt dài và phục hồi khó khăn của nền kinh tế Nhật Bản.

Mặc dù vậy, các chuyên gia Trung Quốc vẫn bày tỏ sự lạc quan. Họ chỉ ra rằng sản lượng công nghiệp của Trung Quốc hiện đã vượt Hoa Kỳ. Năm ngoái, GDP Trung Quốc tăng trưởng 5,2%, gấp đôi tốc độ của Hoa Kỳ. Theo chỉ số sức mua tương đương (PPP), nền kinh tế Trung Quốc đã vượt Mỹ từ năm 2016.

GS. Wang, chuyên gia kinh tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận định trong cuộc phỏng vấn với DW: "Trong 45 năm qua, Trung Quốc đã đối mặt và vượt qua nhiều thách thức kinh tế lớn. So với cuộc suy thoái 30 năm trước, khủng hoảng nợ 20 năm trước và sự sụp đổ của thị trường bất động sản 10 năm trước, tình hình hiện tại không phải là nghiêm trọng nhất."

Trước những thách thức và cơ hội đan xen, tương lai kinh tế của Trung Quốc vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong các nhà kinh tế và giới quan sát thị trường. Một mặt, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt với nhiều vấn đề cấu trúc như gánh nặng nợ nần, năng suất suy giảm và dân số già hóa. Mặt khác, Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ấn tượng và có tiềm năng phát triển to lớn từ quá trình đô thị hóa.

Liệu Trung Quốc có tránh được "bẫy Nhật Bản" và hồi sinh trên cuộc đua bá quyền kinh tế toàn cầu? Đây là chủ đề dự báo sẽ còn gây tranh luận sôi nổi, nhất là khi các quyết sách của Bắc Kinh không chỉ ảnh hưởng đến 1,4 tỷ dân nước này mà còn có tác động sâu rộng đến cục diện kinh tế, chính trị toàn cầu trong những thập kỷ tới. 

Theo DW