Kinh tế Nga tăng trưởng như vũ bão, vượt Mỹ và nhiều nước G20

Vũ Bấc

(Thị trường tài chính) - Nga duy trì mức tăng trưởng 4,1% trong hai năm liên tiếp, cho thấy nền kinh tế Nga vẫn trụ vững giữa biến động toàn cầu.

Theo hãng tin Sputnik, Nga đã vươn lên vị trí thứ ba trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất G20 năm 2024, với mức tăng trưởng GDP đạt 4,1% – đánh dấu năm thứ hai liên tiếp nền kinh tế nước này duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.

Kinh tế Nga tăng trưởng như vũ bão, vượt Mỹ và nhiều nước G20 - ảnh 1
Quảng trường Đỏ ở Moscow

Ấn Độ tiếp tục dẫn đầu bất chấp tốc độ tăng trưởng chậm lại, từ 8,8% năm 2023 xuống còn 6,7% trong năm nay. Trung Quốc và Indonesia chia nhau vị trí thứ hai với cùng mức tăng trưởng 5%.

Ba năm sau xung đột Ukraine, kinh tế Nga không những trụ vững trước cấm vận phương Tây mà còn tăng trưởng mạnh mẽ, nhờ vào nguồn thu từ dầu mỏ, sản xuất quốc phòng bùng nổ và định hướng nền kinh tế theo hướng thời chiến.

Trái với kỳ vọng của nhiều quốc gia phương Tây rằng Nga sẽ suy sụp sau cuộc tấn công quy mô lớn vào Ukraine, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 3,6% trong năm 2023 và đạt 4,1% trong năm 2024 – vượt qua hầu hết các nền kinh tế phương Tây.

Brazil xếp thứ tư khi ghi nhận GDP tăng 3,4%, nhích nhẹ so với mức 3,2% của năm trước. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ (Turkiye) đứng thứ năm với tốc độ tăng trưởng 3,2%, giảm mạnh so với mức 5,1% năm 2023.

Ở chiều ngược lại, Đức và Argentina tiếp tục rơi vào suy thoái năm thứ hai liên tiếp. Dưới thời Tổng thống Javier Milei, GDP của Argentina giảm 1,7% – sâu hơn mức giảm 1,6% năm ngoái – do các cải cách kinh tế quyết liệt gây ra nhiều hệ lụy.

Nền kinh tế ‘đầu tàu của châu Âu’ - Đức vẫn đang tăng trưởng âm, với GDP giảm 0,2% sau khi đã giảm 0,3% vào năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu đến từ ảnh hưởng chuỗi cung ứng năng lượng từ các lệnh trừng phạt đối với Nga và áp lực cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt từ Trung Quốc.

Một số nền kinh tế bắt đầu cho thấy dấu hiệu phục hồi. Sau suy thoái trong năm 2023, Saudi Arabia quay lại quỹ đạo tăng trưởng với mức 1,3%. Hàn Quốc và Anh cũng cải thiện khi đạt mức tăng lần lượt 2% và 0,9%, so với 1,4% và 0,4% của năm trước.

Tuy nhiên, nhiều nền kinh tế vẫn đang chững lại. Nhật Bản giảm sâu từ 1,9% xuống chỉ còn 0,1%, trong khi Australia hạ xuống còn 1% so với 2% năm 2023. Nam Phi và Mỹ cũng ghi nhận tăng trưởng chậm lại, lần lượt ở mức 0,6% và 2,8%.

Tuy nhiên, theo Geographical Monitor, mô hình tăng trưởng hiện tại của Nga bị đánh giá là thiếu bền vững. Động lực chính đến từ chi tiêu quốc phòng, khiến ngân sách quốc gia chịu áp lực nặng nề. Tình trạng lạm phát leo thang do chi tiêu nhà nước quá mức đã góp phần đẩy người dân vào khủng hoảng chi phí sinh hoạt – một bài toán không dễ giải.

Việc chuyển đổi từ nền kinh tế thời chiến sang phát triển bền vững trong thời bình sẽ phụ thuộc nhiều vào giá năng lượng toàn cầu. Dẫu vậy, giới phân tích nhận định đây có thể không phải là mục tiêu chính của Nga. 

Thay vào đó, Moscow có thể hướng đến việc tái cơ cấu các ngành công nghiệp quốc phòng để phục vụ xuất khẩu, tận dụng căng thẳng địa chính trị ngày càng gia tăng nhằm củng cố vị thế kinh tế.

Việc Nga duy trì tốc độ tăng trưởng 4,1% trong hai năm liên tiếp cho thấy nền kinh tế nước này vẫn giữ được đà phát triển mạnh mẽ bất chấp các sức ép từ địa chính trị và biến động kinh tế toàn cầu. Nga hiện thuộc nhóm ba nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất G20, chỉ xếp sau Ấn Độ và đồng hạng với Trung Quốc và Indonesia.

Đà bứt phá này được đánh giá là bước ngoặt đáng chú ý, mở ra triển vọng tích cực cho kinh tế Nga trong bối cảnh quốc tế nhiều bất ổn.

Tham khảo Sputnik, Geographical Monitor