Không phải chính trị, nguồn năng lượng khổng lồ mới là thứ khiến ông Trump muốn có được dải Gaza?
(Thị trường tài chính) - Động thái này có thể mở đường cho việc bán khí đốt từ Gaza sang châu Âu, loại bỏ Nga khỏi thị trường năng lượng của lục địa này trong nhiều năm tới.
Tổng thống Donald Trump mới đây đã gây sốc khi tuyên bố Mỹ sẽ "kiểm soát" Dải Gaza, đồng thời đề xuất tái định cư người Palestine sống tại đó sang Jordan hoặc Ai Cập.
Dải Gaza lâu nay vẫn là địa danh có ý nghĩa địa chính trị quan trọng. Tuy nhiên, có một lý do quan trọng nhưng ít được chú ý đằng sau quyết định này: năng lượng. Cả Israel và Gaza đều sở hữu các mỏ khí đốt tự nhiên ngoài khơi khổng lồ. Việc phát triển những nguồn tài nguyên này có thể giúp tài trợ cho quá trình tái thiết Gaza.
Tuy nhiên, ông Trump cần phải hành động nhanh chóng để tận dụng cơ hội này. Hiện nay, thế giới đang chạy đua nhằm loại bỏ khí đốt tự nhiên của Nga khỏi châu Âu. Các nhà cung cấp mới đang được sắp xếp. Đây chính là thời điểm quyết định.
Trong khi chiến sự ở Gaza vẫn tiếp diễn, các diễn biến quan trọng về năng lượng trong khu vực đang tăng tốc một cách chóng mặt.
Hiện Chevron cùng một số công ty dầu khí tầm trung của Israel đang vận hành các mỏ khí đốt lớn ngoài khơi của Israel như Leviathan, Tamar và Dalit. Ngày 4/2, công ty năng lượng nhà nước SOCAR của Azerbaijan đã mua lại 10% cổ phần tại mỏ khí đốt Tamar.
3 tháng trước cuộc tấn công ngày 7/10/2023, Hamas đạt được một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian để phát triển một mỏ khí đốt tiềm năng ngoài khơi Gaza. 3 tháng sau ngày 7/10, Israel gây tranh cãi khi cấp quyền thăm dò trong vùng biển Palestine cho các công ty Eni (Ý), Dana Energy (Anh) và Ratio Petroleum (Israel).
Dự án ống dẫn khí Qatar - Thổ Nhĩ Kỳ
Đường ống khí đốt Qatar - Thổ Nhĩ Kỳ được lên kế hoạch để vận chuyển khí từ Qatar qua Ả Rập Xê Út, Jordan và Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó tiếp tục sang châu Âu. Tuy nhiên, vào năm 2009, Tổng thống Syria khi đó là Bashar al-Assad đã từ chối dự án này. Giờ đây, khi Assad không còn nắm quyền, không loại trừ khả năng dự án có thể được hồi sinh.
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ từng công khai tuyên bố rằng dự án có thể tiếp tục nếu "Syria đạt được toàn vẹn lãnh thổ và ổn định". Hơn nữa, Qatar cũng mong muốn đa dạng hóa các tuyến xuất khẩu của mình ngoài hình thức vận chuyển LNG (khí đốt hóa lỏng) bằng tàu biển.
Theo Asia Times