HAPPYFOOD - Bữa ăn ngon cho gia đình hạnh phúc - Make Family Happy!

Hẻm núi lớn nhất trên Trái Đất: Trải dài 505km, sâu trung bình hơn 2.000m, ẩn chứa loại cây cao hơn cả tượng Nữ thần Tự do

Thiên Kim

(Thị trường tài chính) - Hẻm núi này cũng bao gồm một số khu vực gồ ghề và ít được khám phá nhất trên thế giới.

Theo Live Science, hẻm núi Yarlung Tsangpo là hẻm núi trên đất liền lớn nhất thế giới - dài hơn cả Hẻm núi lớn (Grand Canyon) ở Arizona, Mỹ và sâu hơn bất kỳ hẻm núi nào đã biết trên đất liền.

Hẻm núi được đặt tên theo sông Yarlung Tsangpo, còn có tên gọi là "Everest của các con sông", vì nó hầu như không thể tiếp cận được và có độ cao trung bình lớn nhất, ở mức 4.000m, so với bất kỳ con sông lớn nào khác trên thế giới.

Hẻm núi lớn nhất trên Trái Đất: Trải dài 505km, sâu trung bình hơn 2.000m, ẩn chứa loại cây cao hơn cả tượng Nữ thần Tự do - ảnh 1Hình ảnh tổng hợp về một trong những khu vực hiểm trở và khó tiếp cận nhất nằm giữa 2 đỉnh núi lớn của hẻm Yarlung Tsangpo. Ảnh: Đài quan sát Trái đất của NASA

Phần thượng nguồn của Yarlung Tsangpo nằm ở phía Tây của khu tự trị Tây Tạng tại sông băng Angsi. Dòng sông sau đó uốn khúc về phía Đông qua cao nguyên Tây Tạng trước khi bẻ ngoặt đột ngột về phía Tây Nam để nhập vào sông Brahmaputra.

Hẻm Yarlung Tsangpo dài khoảng 505km, dài hơn Hẻm núi lớn 60km. Khu vực này bao gồm một số địa điểm hiểm trở nhất và ít được khám phá nhất trên thế giới, trong đó có nơi cắt ngang qua 2 đỉnh núi cao chót vót là Namcha Barwa (7.782m) và Gyala Peri (7.294m) ở khu tự trị Tây Tạng.

Hẻm núi dốc xuống điểm sâu nhất dọc theo đoạn này, trải dài 6.009m từ đỉnh tới đáy, sâu gấp 3 lần so với Hẻm núi lớn. Được biết Yarlung Tsangpo có độ sâu trung bình là 2.270m.

Hẻm núi lớn nhất trên Trái Đất: Trải dài 505km, sâu trung bình hơn 2.000m, ẩn chứa loại cây cao hơn cả tượng Nữ thần Tự do - ảnh 2Đây cũng là ngôi nhà của cây cao nhất từng được phát hiện ở châu Á. Ảnh: Live Science 


Khu vực này hình thành khi các lực kiến tạo đẩy lớp vỏ Trái Đất lên cách đây khoảng 3 triệu năm và ăn sâu vào lòng sông Yarlung Tsangpo, sau đó gây ra xói mòn mạnh mẽ.

Thêm vào đó, đây còn là nơi sinh sống của loài cây cao nhất từng được phát hiện ở châu Á - một cây bách 102m có thể che khuất cả tượng Nữ thần Tự do. 

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã đo chiều cao của cây vào tháng 5/2023 trong một cuộc khảo sát sinh học nhằm bảo tồn hệ sinh thái độc đáo của khu tự trị Tây Tạng.

Hiện vẫn chưa rõ cây này thuộc loài nào, mặc dù các bài báo Trung Quốc vào thời điểm đó cho rằng nó có thể là cây bách Himalaya (Cupressus torulosa) hoặc cây bách Tây Tạng (Cupressus gigantea).

Theo Live Science