‘Gã khổng lồ’ Trung Quốc âm thầm vào Việt Nam: Phủ sóng 82 thị trường khắp thế giới, đạt 54 triệu lượt tải/tháng
(Thị trường tài chính) - Việt Nam là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2023. Đà tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay và biến Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng mà Temu hướng đến.
Temu "âm thầm" tiến vào Việt Nam
Temu, nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đến từ Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại khu vực Đông Nam Á.
Theo đó, nền tảng này đã “âm thầm” ra mắt tại Việt Nam và Brunei. Theo công ty nghiên cứu Momentum Works, sự gia nhập này đã nâng tổng số thị trường của Temu tại khu vực lên 5 nước, bao gồm Philippines, Malaysia, Thái Lan, Việt Nam và Brunei. Hiện tại, Temu hoạt động tại tổng cộng 82 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến ngày 7/10/2024.
Temu bắt đầu hoạt động tại Philippines và Malaysia cách đây hơn một năm, và vào tháng 7 vừa qua, nền tảng này đã chính thức mở dịch vụ giao hàng tại Thái Lan.
Thông tin về việc Temu sẽ gia nhập thị trường Việt Nam đã được nhiều nguồn tin trong ngành dự đoán từ tháng 7, với kế hoạch ra mắt vào tháng 10. Có vẻ Temu đã thực hiện đúng thời hạn này.
Tuy nhiên, phiên bản hiện tại của website Temu tại Việt Nam vẫn còn khá sơ khai. Nền tảng chưa cung cấp tùy chọn tiếng Việt, chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng, và không tích hợp ví điện tử địa phương.
Về logistics, Temu hiện kết nối với hai đơn vị vận chuyển là Ninja Van và Best Express. Trong đó, Best Express – một công ty niêm yết trên sàn chứng khoán New York – từng là một trong những công ty chuyển phát nhanh lớn nhất Trung Quốc, nhưng sau khi bán mảng kinh doanh nội địa cho J&T Express vào năm 2021, Best đã chuyển trọng tâm sang các giải pháp logistics quốc tế và mở rộng ra nước ngoài, bao gồm Việt Nam và Indonesia.
Theo đánh giá của Momentum Works, Temu có thể sẽ bổ sung các tùy chọn ngôn ngữ, phương thức thanh toán và mở rộng đối tác logistics nếu có nhiều sự đầu tư hơn vào thị trường Việt Nam.
Hiện tại, thời gian vận chuyển hàng hóa từ Quảng Châu đến Việt Nam được dự báo nhanh hơn so với Malaysia hay Philippines, chỉ từ 4-7 ngày, do lợi thế về khoảng cách địa lý và sự kết nối tốt qua đường bộ.
Cũng theo Momentum Works, Việt Nam là thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2023, với mức tăng trưởng GMV gần 53% so với cùng kỳ năm trước.
Đà tăng trưởng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2024, biến Việt Nam trở thành một thị trường tiềm năng mà Temu đang hướng đến.
Bên cạnh đó, có những tin đồn chưa được xác nhận cho rằng Temu cũng đang đàm phán để mua lại một nền tảng TMĐT địa phương tại Việt Nam, tạo ra nhiều kỳ vọng về bước tiến mạnh mẽ hơn của nền tảng này trong khu vực.
Tăng trưởng thần tốc
Từ khi ra mắt, lượt tải xuống ứng dụng Temu đã tăng thần tốc, với 440.000 lượt vào tháng đầu ra mắt năm 2022 và tăng đều đặn đến nay, đạt hơn 54 triệu lượt vào tháng 8/2024.
Nhận thức của người tiêu dùng toàn cầu đối với Temu cũng ngày càng tăng. Một cuộc điều tra của Viện nghiên cứu IFH Köln (Đức) cho biết trong số người tiêu dùng được hỏi, 32% nói rằng bản thân đã mua sản phẩm từ Temu, tăng lên từ mức 11% vào 2023.
Tổng doanh số giao dịch trên sàn (GMV) của nền tảng cũng tăng trưởng theo cấp số nhân. Vào 2022, GMV chỉ mới 290 triệu USD nhưng đã tăng hơn 4.500 lần, đạt 14 tỷ USD năm 2023, theo ECDB.
Dự báo GMV của Temu là đạt 29,5 tỷ USD năm 2024 và 41 tỷ USD vào năm 2025. Để so sánh, GMV của Amazon dự kiến sẽ đạt 756,9 tỷ USD trong năm nay.
Một trong những lý do khiến Temu hấp dẫn khách hàng là mức giá thấp. Không những vậy, nền tảng cũng cung cấp dịch vụ miễn phí vận chuyển và trả hàng.
Chưa hết, Temu có cả giải pháp mua hàng theo nhóm - người dùng có thể cùng nhau lập nhóm để gộp đơn và nhận chiết khấu cao. Nền tảng cũng giảm giá cho những khách hàng giới thiệu khách hàng mới. Những ưu điểm này giúp Temu nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường và đánh bại các đối thủ cạnh tranh.