Dự án nhà máy năng lượng sạch lớn nhất thế giới: Tiêu tốn 20 tỷ USD, diện tích gấp 5 lần Paris, cung cấp đủ điện cho cả 1 quốc gia
(Thị trường tài chính) - Nhà máy này theo kế hoạch sẽ được hoàn thành vào năm 2030.
CNN đưa tin, Adani Green Energy Limited (AGEL) - đơn vị năng lượng sạch của tập đoàn Ấn Độ Adani Group - đang xây dựng nhà máy điện gió và mặt trời Khavda tại tiểu bang Gujarat ở phía Tây Ấn Độ.
Với chi phí khoảng 20 tỷ USD, đây sẽ là công viên năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới khi hoàn thành trong khoảng 5 năm tới. Cơ sở dự kiến sẽ tạo ra đủ điện sạch cho 16 triệu hộ gia đình ở Ấn Độ - tương đương với cả Thụy Sĩ, theo CNN.
Nằm trên diện tích gần 520km2 - lớn gấp 5 lần thủ đô Paris của Pháp (rộng 105km2) - AGEL tuyên bố dự án sẽ trở thành nhà máy điện lớn nhất hành tinh bất kể xét theo nguồn năng lượng nào.
Bên cạnh đó, tập đoàn còn có kế hoạch đầu tư 100 tỷ USD vào quá trình chuyển đổi năng lượng trong thập kỷ tới, trong đó 70% khoản đầu tư được dành cho năng lượng sạch.
Công viên năng lượng tái tạo Khavda có ý nghĩa quan trọng đối với nỗ lực của Ấn Độ nhằm giảm ô nhiễm và đạt được mục tiêu về khí hậu. Nhà máy cũng nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng của quốc gia đông dân nhất thế giới. Than hiện vẫn chiếm 70% lượng điện sản xuất tại Ấn Độ.
Việc chuyển hướng sang năng lượng sạch của Adani Group diễn ra vào thời điểm Ấn Độ đã đặt ra một số mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu. Thủ tướng Narendra Modi cam kết rằng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió sẽ đáp ứng 50% nhu cầu của Ấn Độ vào cuối thập kỷ này.
Chính phủ nước này đang đặt mục tiêu đạt 500GW công suất phát điện không sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030. AGEL, công ty năng lượng tái tạo lớn nhất của Ấn Độ, dự định cung cấp ít nhất 9% trong số đó, với gần 30GW được sản xuất chỉ riêng từ công viên Khavda.
Theo CNN