Đồng nhân dân tệ đứng trước thách thức lớn, tiến trình phi USD hóa đụng phải 'Vạn Lý Trường Thành'?
(Thị trường tài chính) - Trung Quốc muốn xây dựng một đồng nhân dân tệ mạnh nhưng vẫn đối mặt với thách thức từ chính sách kiểm soát dòng vốn chặt chẽ.
Theo Reuters, Trung Quốc muốn có một đồng nhân dân tệ mạnh, chứ không phải một loại tiền tệ siêu cường. Thay vì nỗ lực lật đổ sự thống trị của đồng USD, Bắc Kinh đang cố gắng để đồng nhân dân tệ được chấp nhận rộng rãi hơn trong các giao dịch xuyên biên giới và tăng tỷ trọng trong dự trữ của các Ngân hàng Trung ương.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Mong muốn của Trung Quốc trong việc kiểm soát chặt chẽ dòng vốn là một rào cản lớn và khó khăn về mặt chính trị.
Trung Quốc lần đầu tiên tiết lộ tham vọng trở thành một “cường quốc tài chính” tại một cuộc họp cấp cao giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức tài chính vào cuối năm ngoái. Để đạt được điều đó, ông Tập đã nêu ra một số yêu cầu chính, trong đó dẫn đầu là một đồng tiền mạnh.
Thoạt nhìn, tham vọng này có vẻ như là một thách thức đối với vai trò thống trị của đồng USD trong hệ thống tài chính toàn cầu. Trên các phương tiện truyền thông Nhà nước của Trung Quốc cũng xuất hiện nhiều bài viết chỉ trích "quyền bá chủ của đồng USD", phê phán việc Washington sử dụng đồng tiền của mình để áp đặt lệnh trừng phạt đối với các quốc gia như Nga.
Ngay cả một số chính trị gia Mỹ cũng bắt đầu tỏ ra lo ngại về mối đe dọa của "phi USD hóa". Donald Trump, ứng cử viên của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11 tới, gần đây đã đe dọa sẽ áp thuế 100% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia tránh sử dụng đồng USD.
Điều này phản ánh căng thẳng địa chính trị và thương mại đang gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, những lời lẽ gay gắt không nói lên toàn bộ câu chuyện. Ông Tập đang nỗ lực xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc tài chính chứ không phải là một siêu cường. Trong chuyến thăm tới San Francisco vào tháng 11 năm ngoái, ông đã nói với các CEO, bao gồm cả Tim Cook của Apple và Elon Musk của Tesla, rằng “Trung Quốc không có ý định thách thức hoặc lật đổ Mỹ”. Các nhà ngoại giao Trung Quốc kể từ đó cũng liên tục lặp lại quan điểm này.
Một chiến lược tương tự, ít nhất là trong thời điểm hiện tại, có vẻ như cũng được áp dụng cho mục tiêu "đồng nhân dân tệ mạnh". Điều này một phần là do Bắc Kinh tụt hậu so với Washington về sức mạnh tài chính toàn cầu.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Mỹ chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu nhưng gần một nửa các khoản thanh toán quốc tế vào năm ngoái được thực hiện bằng đồng USD. Trong khi đó, các Ngân hàng Trung ương trên thế giới vẫn nắm giữ khoảng 60% dự trữ ngoại hối bằng đồng USD.
Ngược lại, Trung Quốc không phải là một siêu cường tài chính. Quốc gia tỷ dân chiếm hơn 15% nền kinh tế toàn cầu và cũng là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ vẫn chỉ chiếm chưa đến 5% thanh toán toàn cầu và chỉ hơn 2% dự trữ ngoại hối, theo dữ liệu của PBOC.
Về sức mạnh thực tế của đồng nhân dân tệ, giá trị của nó so với đồng USD đã dao động trong vài năm qua, bất chấp những nỗ lực của PBOC nhằm duy trì tỷ giá hối đoái ổn định.
Đồng tiền của Trung Quốc đã giảm hơn 3% so với đồng USD kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022 và phục hồi gần 2,5% kể từ tháng 7, khi thị trường chuẩn bị cho đợt cắt giảm lãi suất của Mỹ được công bố vào đầu tháng này.
Hôm 25/9, đồng nhân dân tệ đã tăng giá mạnh mẽ sau khi Bắc Kinh công bố gói kích thích tiền tệ lớn nhất kể từ đại dịch để thúc đẩy tăng trưởng. Lần đầu tiên sau 16 tháng, 1 USD mua đổi được ít hơn 7 nhân dân tệ. Vào ngày 22/3/2022, ngay trước chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ, đồng nhân dân tệ được giao dịch ở mức 6,4 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Ngai vàng của đồng bạc xanh có vẻ an toàn vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đạt được một số tiến bộ trong việc thuyết phục các quốc gia, công ty và các Ngân hàng Trung ương sử dụng nhiều hơn đồng nhân dân tệ. Để đạt được mục tiêu này, Bắc Kinh đã thúc đẩy hợp tác khu vực và đa phương. Ví dụ, Trung Quốc đang khuyến khích các quốc gia trong nhóm BRICS, gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, thúc đẩy việc sử dụng các đồng tiền địa phương, bao gồm cả nhân dân tệ, trong thương mại và đầu tư.
Vào tháng 5, Zhu Min, cựu Phó Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hiện đang cố vấn cho Bắc Kinh, đã kêu gọi một “hệ thống Bretton Woods mới” có lợi cho tất cả các quốc gia – một đòn giáng rõ ràng vào thỏa thuận sau chiến tranh đã thiết lập đồng USD như đồng tiền hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, Trung Quốc đang xây dựng cơ sở hạ tầng tài chính mới. Năm 2015, Bắc Kinh đã triển khai hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) để cho phép thanh toán các giao dịch nhân dân tệ tại Thượng Hải. Mục tiêu cuối cùng là cạnh tranh với hệ thống nhắn tin tài chính quốc tế SWIFT và hệ thống thanh toán liên ngân hàng Clearing House (CHIPS) do đồng USD chi phối.
Việc sử dụng CIPS hàng ngày đã tăng vọt lên 60 tỷ USD từ mức gần như bằng không vào 10 năm trước, tuy nhiên nó vẫn chỉ là một phần nhỏ trong số 1,8 nghìn tỷ USD thanh toán mỗi ngày thông qua CHIPS.
Trung Quốc cũng đang nỗ lực mở rộng vai trò của đồng nhân dân tệ trong giao dịch tiền kỹ thuật số và hàng hóa. Trong 9 tháng đầu năm ngoái, gần 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ giá trị giao dịch hàng hóa số lượng lớn xuyên biên giới đã được thanh toán bằng đồng tiền Trung Quốc, so với mức gần như bằng 0 vào năm 2015, theo PBOC.
Dù vậy, rào cản lớn nhất đối với việc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là chính sách đóng cửa của Trung Quốc đối với dòng vốn. Do Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ dòng vốn chảy vào và ra khỏi đất nước - một công cụ quan trọng để điều tiết nền kinh tế - nên đồng nhân dân tệ không thể chuyển đổi hoàn toàn. Điều này có nghĩa là nó không được giao dịch tự do trên thị trường ngoại hối toàn cầu, do đó kém hấp dẫn hơn nhiều đối với người dùng quốc tế.
Năm 1993, Trung Quốc đã công bố kế hoạch dỡ bỏ hoàn toàn kiểm soát vốn vào năm 2000, nhưng kế hoạch đó đã bị phá sản bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Chính phủ đã đóng băng một nỗ lực tương tự vào năm 2015 để ngăn chặn dòng vốn chảy ra, sau một cú sụp đổ ngoạn mục của thị trường chứng khoán.
Hai ví dụ cho thấy nhu cầu an ninh quốc gia của một nền kinh tế được quản lý bởi Nhà nước lớn hơn mong muốn phát triển thị trường tài chính. Bắc Kinh có thể cảm thấy an toàn hơn về dòng vốn chảy ra nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục được sử dụng rộng rãi hơn trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều trớ trêu là các biện pháp kiểm soát vốn lại là gánh nặng lớn nhất đối với đồng tiền của Trung Quốc.
Nếu không có khả năng chuyển đổi hoàn toàn, hành trình quốc tế hóa của đồng nhân dân tệ sẽ không thể hoàn thành. Việc sử dụng đồng tiền này trên toàn cầu có thể vẫn sẽ phản ánh tốt hơn vai trò của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu trong tương lai. Tuy nhiên, nỗ lực của đồng nhân dân tệ để được quốc tế công nhận chắc chắn sẽ một lần nữa gặp trở ngại trước “Vạn Lý Trường Thành” mà chính sách kiểm soát vốn khép kín tạo nên.
Theo Reuters, CNBC