Đâu là nơi thu hút nhiều nhân tài nhất thế giới: Mỹ tụt hạng, vắng mặt trong top 10
(Thị trường tài chính) - Thụy Sĩ dẫn đầu cuộc đua thu hút nhân tài khi làn sóng AI đặt ra nhiều thách thức mới cho thị trường lao động toàn cầu.
Theo Bảng xếp hạng Tài năng Thế giới IMD 2024, Thụy Sĩ tiếp tục giữ vững ngôi vị quán quân về sức cạnh tranh nhân tài toàn cầu năm thứ 11 liên tiếp. Kết quả này phản ánh nguồn nhân lực mạnh mẽ và ổn định của quốc gia này trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu biến động nhanh chóng.
Bảng xếp hạng đánh giá hiệu quả duy trì nguồn nhân tài của 67 nền kinh tế trên thế giới, dựa trên sự kết hợp giữa khảo sát và dữ liệu thực tế từ Trung tâm cạnh tranh thế giới IMD cùng các nguồn bên ngoài. Dữ liệu được chia thành ba nhóm chính: đầu tư và phát triển nhân tài nội địa, sức hấp dẫn đối với nhân tài nước ngoài, và mức độ sẵn có của kỹ năng và năng lực.
Top 10 nền kinh tế cạnh tranh nhân tài hàng đầu thế giới:
1. Thụy Sĩ
2. Singapore
3. Luxembourg
4. Thụy Điển
5. Đan Mạch
6. Iceland
7. Na Uy
8. Hà Lan
9. Hồng Kông (Trung Quốc)
10. Áo
Châu Âu thống trị bảng xếp hạng với 8/10 vị trí dẫn đầu. Hai đại diện châu Á là Singapore và Hồng Kông lần lượt đứng ở vị trí thứ 2 và 9.
Thụy Sĩ duy trì vị trí dẫn đầu từ 2014, vượt trội về đầu tư, phát triển và sức hấp dẫn. Quốc gia này đứng đầu về chất lượng cuộc sống, cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục đại học và khả năng thu hút nhân tài nước ngoài.
Singapore nổi bật với bước tiến vượt bậc từ vị trí 18 (2014) lên vị trí 2 (2024), được đánh giá cao về sự sẵn sàng của nguồn nhân lực, môi trường làm việc không phân biệt đối xử, tăng trưởng lực lượng lao động và sự sẵn có của kỹ năng tài chính.
Thu hút nhân tài "thời AI"
Báo cáo WTR 2024 với chủ đề "Tác động kinh tế - xã hội của AI tại nơi làm việc" đã phản ánh rõ nét ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo đối với thị trường nhân tài toàn cầu.
Theo TS. José Caballero, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Trung tâm cạnh tranh thế giới IMD, sự phát triển nhanh chóng của AI đang biến đổi các ngành công nghiệp và tái định hình nền kinh tế toàn cầu theo cách chưa từng có, tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho khả năng cạnh tranh nhân tài.
"Mặc dù AI có thể mang lại hiệu quả và năng suất vượt trội, nó cũng đe dọa thay thế việc làm trên diện rộng, đặc biệt trong các lĩnh vực phụ thuộc vào công việc lặp đi lặp lại và tự động hóa", TS. Caballero nhận định.
Đáng chú ý, báo cáo chỉ ra rằng tại Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Vương quốc Anh và Canada, các giám đốc điều hành cấp cao nhận thấy AI nổi bật nhất ở khía cạnh thay thế con người tại nơi làm việc. Đồng thời, tình trạng phân biệt đối xử cũng gia tăng tại các nền kinh tế này.
TS. Caballero cảnh báo: "Việc đưa AI vào lực lượng lao động có thể tạo ra những hình thức phân biệt đối xử mới, như thuật toán thiên vị, củng cố thêm sự bất bình đẳng hiện có và tác động tiêu cực đến các cộng đồng thiểu số".
Báo cáo cũng chỉ ra rằng tại các nước thu nhập cao, tỷ lệ việc làm của phụ nữ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi tự động hóa (7,9%) cao gấp đôi so với nam giới (2,9%).
Tuy nhiên, báo cáo kết luận rằng dù các nền kinh tế thu nhập cao có thể chứng kiến sự gián đoạn và gia tăng phân biệt đối xử do áp dụng AI trong ngắn hạn, họ cũng được dự đoán sẽ thu được lợi ích tổng thể lớn hơn so với các nền kinh tế thu nhập thấp trong dài hạn.
Theo CNBC