Cựu kỹ sư 26 tuổi của OpenAI đột ngột tự sát, hé lộ sự thật gây sốc
(Thị trường tài chính) - Trước khi qua đời, Suchir Balaji đã phơi bày những lỗ hổng nghiêm trọng trong cách các công ty AI, bao gồm cả OpenAI – nơi ông từng làm việc – xử lý dữ liệu có bản quyền.
Sự ra đi đột ngột của Suchir Balaji không chỉ gây chấn động giới công nghệ mà còn làm dấy lên những tranh luận căng thẳng về đạo đức và pháp lý trong phát triển AI.
Suchir Balaji từng là một trong những kiến trúc sư chính đứng sau công nghệ ChatGPT, một trong những sáng tạo công nghệ đột phá nhất thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, ông cũng nổi tiếng là người chỉ trích mạnh mẽ cách các công ty AI, đặc biệt là OpenAI, sử dụng dữ liệu.
Ngày 26/11, Balaji qua đời ở tuổi 26 tại căn hộ ở San Francisco. Cảnh sát xác nhận ông tự sát, không có dấu hiệu của hành vi phạm tội.
Balaji từng làm việc tại OpenAI hơn bốn năm trước khi rời công ty vào tháng 8, vì lo ngại về cách sử dụng dữ liệu có bản quyền. Ông công khai quan điểm trong một bài phỏng vấn với The New York Times vào tháng 10, cho rằng các hệ thống AI như GPT-4 sử dụng dữ liệu không được cấp phép, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Chỉ một ngày trước khi qua đời, Balaji bị nêu tên trong một vụ kiện bản quyền nhằm vào OpenAI. Công ty này cam kết sẽ xem xét các tài liệu liên quan đến những lo ngại mà Balaji đã nêu trước đó.
Những lỗ hổng được phơi bày
Trong các bài viết và phỏng vấn, Balaji chỉ ra rằng các hệ thống AI học tập bằng cách sao chép toàn bộ dữ liệu huấn luyện. Quá trình này, nếu không được cấp phép, có thể bị coi là vi phạm bản quyền.
"Dù các mô hình sinh dữ liệu hiếm khi tạo ra đầu ra giống hệt với dữ liệu huấn luyện, nhưng quá trình huấn luyện lại yêu cầu sao chép dữ liệu có bản quyền”, ông viết.
"Nếu việc sao chép này không được cấp phép, đây có thể bị coi là vi phạm bản quyền, tùy thuộc vào việc sử dụng cụ thể có đủ điều kiện là ‘sử dụng hợp lý’ hay không. Tuy nhiên, khái niệm sử dụng hợp lý thường phải được đánh giá từng trường hợp cụ thể”.
Ngoài ra, Balaji còn cảnh báo về hiện tượng "hallucination" (ảo giác) trong AI – khi các mô hình tạo ra thông tin sai lệch hoặc hoàn toàn bịa đặt. Ông cho rằng điều này đang làm biến đổi internet theo chiều hướng tiêu cực.
Các vụ kiện pháp lý và tác động rộng lớn
Các công ty như OpenAI và Microsoft hiện đối mặt với nhiều vụ kiện từ các nhà xuất bản, bao gồm The New York Times, cáo buộc họ vi phạm luật bản quyền.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) vào tháng 10, Balaji kêu gọi các nhà nghiên cứu học máy tìm hiểu thêm về luật bản quyền. Ông cho rằng các tiền lệ pháp lý, như vụ Google Books, không đủ để bảo vệ lập luận "sử dụng hợp lý" của các công ty AI tạo sinh.
Dù chỉ trích mạnh mẽ, Balaji khẳng định quan điểm của ông không chỉ nhắm vào OpenAI mà là toàn ngành công nghiệp AI. Ông cũng tự mình liên hệ với The New York Times vì tin rằng mình có góc nhìn đáng chia sẻ.
Những suy tư cuối cùng của Balaji
Trong bài đăng cuối cùng trên mạng xã hội X, Balaji bày tỏ sự lo ngại ngày càng sâu sắc về việc áp dụng khái niệm “sử dụng hợp lý” trong công nghệ AI tạo sinh.
"Ban đầu, tôi không biết nhiều về luật bản quyền hay sử dụng hợp lý, nhưng khi thấy các vụ kiện chống lại các công ty GenAI, tôi đã tìm hiểu sâu hơn. Cuối cùng, tôi nhận ra rằng khái niệm sử dụng hợp lý dường như là một lập luận thiếu thuyết phục với nhiều sản phẩm AI tạo sinh, bởi chúng có thể tạo ra những sản phẩm thay thế và cạnh tranh trực tiếp với dữ liệu mà chúng được huấn luyện”, ông viết.
Ông kết luận: "Tôi không phải luật sư, nhưng tôi nghĩ rằng ngay cả những người không làm luật cũng cần hiểu luật — cả về ý nghĩa lẫn mục đích của nó”.
Phản ứng từ OpenAI
OpenAI bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc trước sự ra đi của Balaji. Đại diện công ty nói với TechCrunch: "Chúng tôi vô cùng đau buồn trước tin tức này và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình và người thân của Suchir trong thời điểm khó khăn này”.
Sự ra đi của Balaji không chỉ để lại nỗi đau mà còn đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai đạo đức và pháp lý của ngành công nghiệp AI.
Theo Interesting Engineering