Cứ gần 5 người trẻ thì có 1 người thất nghiệp, chuyện gì đang xảy ra tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới?
(Thị trường tài chính) - Chính phủ Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều áp lực để tìm ra giải pháp phù hợp cho tình hình này.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong năm nay khi thị trường lao động phải đối mặt với triển vọng đầy thách thức do nền kinh tế suy yếu.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào ngày 20/9, tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi từ 16 - 24 (không gồm sinh viên đại học) đã tăng lên 18,8% vào tháng 8. Con số này tăng từ 17,1% vào tháng 7 và cao gấp 3,5 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung.
Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ khi Bắc Kinh thay đổi cách tính tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vào tháng 1, loại trừ sinh viên đại học khỏi nhóm khảo sát vì cho rằng như vậy sẽ phản ánh chính xác quy mô lực lượng lao động hơn.
Mức cao nhất trước khi sửa đổi phương pháp thống kê là 21,3% vào tháng 6 năm ngoái.
Cục thống kê tiết lộ, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 25 - 29 (không tính sinh viên) cũng tăng lên 6,9% vào tháng 8 từ mức 6,5% của tháng trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm tuổi từ 30 - 59 không thay đổi, đạt mức 3,9%.
Trước đó, Reuters đưa tin rằng tỷ lệ thất nghiệp gia tăng ở Trung Quốc đã đẩy một số sinh viên tốt nghiệp đại học vào tình trạng chấp nhận công việc lương thấp hoặc thậm chí dựa vào lương hưu của cha mẹ.
Trong khi đó, một số nhân viên văn phòng, đặc biệt trong ngành tài chính, phải đối mặt với việc cắt giảm lương. Nhiều nhà phân tích đánh giá rằng điều này sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước vốn đã yếu.
Số liệu mới nhất càng gây thêm áp lực cho chính quyền Trung Quốc sau khi một loạt chỉ số kinh tế chính, từ sản lượng nhà máy đến tiêu dùng và đầu tư, đều không đạt kỳ vọng vào tháng 8.
Những chỉ số kinh tế này cho thấy đà tăng trưởng đã chậm lại vào tháng 8, khiến quốc gia này có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5%.
Trong nỗ lực thúc đẩy thị trường lao động, Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu lần đầu tiên kể từ năm 1978. Các nhà kinh tế cho biết biện pháp này có thể ngăn chặn sự suy giảm của lực lượng lao động nhưng có nguy cơ khiến người lao động - vốn đang phải vật lộn với nền kinh tế trì trệ - không bằng lòng.
Theo Reuters, The Business Times