Chấn động: Hãng xe điện Trung Quốc bất ngờ tuyên bố giải thể, Giám đốc bỏ trốn, giá xe giảm còn 1/10
(Thị trường tài chính) - Sự sụp đổ của Jiyue là một lời cảnh báo đối với ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc, vốn đang ngày càng trở nên cạnh tranh khốc liệt.
Jiyue, một thương hiệu xe điện Trung Quốc, đã bất ngờ tuyên bố giải thể chỉ vài ngày sau khi tin đồn về tình trạng tài chính khó khăn của công ty bắt đầu lan truyền. Sự sụp đổ chóng vánh này đã gây chấn động không chỉ với ngành xe điện Trung Quốc mà còn tạo ra những câu hỏi nghiêm túc về sự bền vững của các công ty trong một thị trường đầy cạnh tranh.
Jiyue, trước đây được biết đến với tên gọi Jidu Auto, là một liên doanh giữa hai “gã khổng lồ” công nghệ: Baidu và Geely. Ban đầu, Baidu nắm giữ 55% cổ phần trong khi Geely chiếm 45%. Tuy nhiên, do những khó khăn trong việc có được giấy phép sản xuất ô tô, công ty đã phải tái cơ cấu và đổi tên thành Jiyue Auto, với tỷ lệ cổ phần thay đổi: Geely nắm giữ 65%, trong khi Baidu giảm xuống còn 35%.
Ngay từ đầu, công ty đã phải đối mặt với nhiều khó khăn tài chính. Theo thông tin từ các trang truyền thông Trung Quốc, Jiyue không thể thanh toán bảo hiểm xã hội cho nhân viên trong nhiều tháng và đã phải hoãn các dự án quan trọng. Một số nguồn tin cho biết Jiyue cũng không còn khả năng trả nợ cho các nhà cung cấp linh kiện, trong đó có Geely, nơi công ty nợ gần 1,5 tỷ nhân dân tệ (206 triệu USD).
Sự việc trở nên nghiêm trọng khi vào tháng 10/2024, Baidu phát hiện một lỗ hổng tài chính lên tới 7 tỷ nhân dân tệ (962 triệu USD). Điều này khiến họ quyết định không đầu tư thêm vào Jiyue, và chỉ một thời gian ngắn sau đó, vào ngày 12/12, công ty đã chính thức tuyên bố giải thể.
CEO Xia Yiping, người trước đó đã trấn an nhân viên về tình hình khó khăn, đã phải đối mặt với sự giận dữ của họ khi công ty không thể chi trả các khoản bồi thường và tiền bảo hiểm.
Một trong những tình tiết gây sốc trong sự sụp đổ này là sự mất tích của Giám đốc Tài chính Liu Jining cùng toàn bộ sổ sách kế toán của công ty. Các cuộc truy vết cho thấy ông Liu đã rời khỏi Trung Quốc và có mặt tại Singapore. Điều này càng làm gia tăng sự bất an và nghi ngờ về tính minh bạch trong quản lý tài chính của Jiyue.
Trong khi đó, trụ sở của công ty đã bị bao vây bởi các chủ nợ, bao gồm nhà cung cấp linh kiện và các công ty truyền thông chưa nhận được thanh toán. Theo một số báo cáo, nhiều người đã vào tòa nhà mang đi các thiết bị văn phòng do công ty không còn khả năng chi trả các khoản đền bù.
Sự sụp đổ của Jiyue đã khiến người dùng, đặc biệt là các KOLs (người có ảnh hưởng) trong ngành xe điện, vô cùng bức xúc. Một trong số đó là blogger xe Han Lu, người đã mua một chiếc Jiyue 07 với giá hơn 31.600 USD (hơn 804 triệu dồng). Khi mang chiếc xe đến các đại lý để bán lại, anh chỉ nhận được mức giá 2.750 USD (gần 70 triệu đồng), chưa bằng 1/10 giá ban đầu. Cũng như nhiều chuyên gia khác, blogger Jia Gong khuyên người dùng nên bán chiếc xe càng nhanh càng tốt, vì các tính năng thông minh của xe như hệ thống khóa NFC và ứng dụng Bluetooth đã không còn hoạt động do hạ tầng mạng của Jiyue bị cắt đứt.
Blogger xe điện Jia Gong cho biết, khi không có sự hỗ trợ từ nhà sản xuất, xe chỉ có thể di chuyển theo đúng làn đường mà không thể tận dụng các tính năng thông minh khác. Ông khuyên người dùng sử dụng các chức năng khóa NFC và UWB ngay lập tức, vì nếu hạ tầng mạng bị cắt hoàn toàn, ứng dụng Bluetooth sẽ không còn khả năng mở khóa và mở cửa xe.
Sự sụp đổ của Jiyue là một lời cảnh báo đối với ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc, vốn đang ngày càng trở nên cạnh tranh khốc liệt. Dù có sự hậu thuẫn từ hai tập đoàn khổng lồ như Geely và Baidu, nhưng Jiyue vẫn không thể vượt qua các thử thách tài chính và kinh doanh. Điều này khiến giới chuyên gia và người tiêu dùng phải lo ngại cho số phận của các thương hiệu khác trong bối cảnh thị trường xe điện ngày càng khó khăn hơn.
Theo SCMP, CarnewsChina